Lần cuối cùng mà ba tàu sân bay Mỹ cùng hoạt động trên Thái Bình Dương là vào năm 2017, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ phá hủy hoàn toàn Triều Tiên. Vào giữa tháng 6 năm nay, một bộ ba tàu sân bay đã trở lại, gồm tàu USS Ronald Reagan và tàu USS Theodore Roosevelt ở Biển Philippine và tàu USS Nimitz ở xa hơn về phía đông. Chúng cùng nhau mang theo nhiều máy bay chiến đấu hơn số máy bay của hầu hết các quốc gia ở châu Á. Các nhà bình luận Trung Quốc hầu như không nghi ngờ gì về vấn đề mục đích lần này: để cho Trung Quốc thấy rằng bất chấp Covid-19, Mỹ vẫn còn rất mạnh.
Các quan chức Mỹ không công khai đến vậy về ý nghĩa của hoạt động này. Nhưng họ rõ ràng thấy lo ngại về những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào ngày 3 tháng 4, tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa (xem bản đồ). Vào ngày 10 tháng 6, một chiếc khác đã bị một tàu Trung Quốc đâm va tại cùng khu vực. Vào tháng 4 và tháng 5, các tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã quấy rối giàn khoan West Capella của Malaysia gần Borneo, khiến Mỹ và Úc phải gửi tàu chiến đến theo dõi. Tại quần đảo Trường Sa, lực lượng “dân quân biển” Trung Quốc được ngụy trang thành đội tàu cá, đã lượn lờ gần đảo Thị Tứ, một hòn đảo do Philippines kiểm soát nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng sự mất tập trung do Covid-19 gây ra để tiến hành các “hành vi khiêu khích”.
Va chạm ở Biển Đông không có gì mới. Trong nhiều thập niên, Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác, gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, đã cạnh tranh và đụng độ xung quanh các đảo san hô, bãi cát, bãi đá ngầm ở đây. Trung Quốc phần lớn đã nổi lên như kẻ chiến thắng. Và mặc dù hứa hẹn với Mỹ hồi năm 2015 rằng họ sẽ không quân sự hóa khu vực này, nhưng Trung Quốc đã xây dựng các cảng, đường băng và boong-ke ở Trường Sa và lắp đặt tên lửa trên các đảo nhân tạo này.
Hình minh họa |
Gần đây, Trung Quốc đã thắt chặt sự kiểm soát theo những cách tượng trưng. Hồi tháng Tư, họ đã thành lập hai đơn vị hành chính bao trùm Trường Sa và Hoàng Sa. Chúng được xếp nằm dưới sự quản lý của Tam Sa, một “thành phố” tưởng tượng mà Trung Quốc thành lập năm 2012 để quản lý vùng biển này. Trung Quốc cũng đặt tên cho 80 thực thể địa lý mới ở Biển Đông, bao gồm 55 thực thể chìm. Hiện có suy đoán rằng Trung Quốc có thể chuyển sự chú ý lên vùng trời Biển Đông.
Trong một thập niên qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nung nấu việc thành lập một Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Mỹ là quốc gia đầu tiên tuyên bố thành lập một ADIZ vào năm 1950. Lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ, họ yêu cầu các máy bay chuẩn bị vào không phận của mình phải tuân theo các quy tắc khác nhau, chẳng hạn như thông báo hành trình và điểm đến của chúng. Ít nhất sáu quốc gia khác hiện cũng có những ADIZ như vậy.
Trung Quốc thành lập ADIZ đầu tiên vào năm 2013 trên Biển Hoa Đông. Điều gây tranh cãi là nó bao phủ cả quần đảo Senkaku không có người ở. Quần đảo này do Nhật Bản kiểm soát nhưng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (họ gọi là quần đảo Điếu Ngư). Mỹ đã nhanh chóng cử hai máy bay ném bom bay qua khu vực mà không xin phép Trung Quốc để chứng tỏ Mỹ sẽ không tuân thủ. Nhưng hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã miễn cưỡng đề nghị các hãng hàng không dân sự ưu tiên an toàn và tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang chờ thời điểm thích hợp để tuyên bố kế hoạch thành lập một ADIZ ở Biển Đông, theo South China Morning Post, một tờ báo ở Hồng Kông.
Những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm dấy lên mối lo ngại rằng thời điểm này có thể sắp diễn ra. Một ADIZ ở đây có thể dễ dàng theo dõi hơn so với ADIZ ở Biển Hoa Đông, theo lời Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, một viện nghiên cứu chính sách. Họ có thể sử dụng radar không chỉ trên đảo Hải Nam hay bờ biển Trung Quốc đại lục, mà còn cả những radar mới lắp đặt trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc cũng có thể kiểm soát các vùng trời Biển Đông bằng máy bay giám sát hoặc máy bay chiến đấu, cả hai đều được triển khai trên các đảo này, hoặc các tàu khu trục được trang bị radar. Theo Cooper, Trung Quốc có thể theo dõi “phần lớn các máy bay nước ngoài” bay vào ADIZ này.
Chắc chắn là các máy bay quân sự của Mỹ sẽ làm ngơ các quy định của Trung Quốc, như họ đã làm ở Biển Hoa Đông. Vậy tại sao phải bận tâm? Câu trả lời là ngay cả một ADIZ chỉ thành công một phần cũng có thể có lợi cho Trung Quốc. Mặc dù ADIZ không ngụ ý quốc gia thành lập ADIZ có chủ quyền đối với không phận mà nó bao trùm, nó có thể được sử dụng để thể hiện thẩm quyền. Chẳng hạn, vào năm 2010, Nhật Bản đã mở rộng ADIZ của mình để bao trùm một hòn đảo do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Đài Loan tuyên bố chủ quyền, và đảo này cũng nằm trong phạm vi ADIZ của Đài Loan. Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã sử dụng ADIZ hiện có để làm gián đoạn giao thông hàng không dân sự, nhưng có thể coi đây là công cụ để thực hiện điều đó trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Và Trung Quốc có thể nghĩ rằng ADIZ ở Biển Đông là một cách biện minh cho việc tiến hành nhiều cuộc tuần tra bằng máy bay hơn ở đó.
Nhưng cũng có những hạn chế. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông rất mơ hồ. Các bản đồ của họ thể hiện một đường chín đoạn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng Trung Quốc không cung cấp toạ độ cho đường chín đoạn này cũng như không nói rõ ý nghĩa của nó là gì. Ở Biển Hoa Đông, ADIZ của Trung Quốc phần lớn tuân theo thềm lục địa mà họ tuyên bố. Nếu ADIZ ở Biển Đông của họ chỉ được vẽ xung quanh các thực thể phân tán do Trung Quốc nắm giữ, thì nó có thể làm suy yếu nghiêm trọng bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm yêu sách mọi thứ nằm trong đường chín đoạn, theo lời Alessio Patalano thuộc Đại học King London. Nhưng nếu ADIZ bao trùm toàn bộ khu vực trong đường chín đoạn, nó sẽ tạo ra nhiều phản ứng dữ dội. Trong nhiều năm qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm mười thành viên đã bị chia rẽ về cách đối phó với Trung Quốc. Một số thành viên muốn mềm mỏng, trong khi một số ít muốn tỏ ra cứng rắn. Một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Tuyên bố thành lập ADIZ có thể làm thay đổi cán cân ngoại giao, theo lời Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore. Các nỗ lực của khối nhằm đàm phán một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để điều chỉnh hành vi tại Biển Đông có thể bị đình chỉ.
Mỹ đã quyết định cử tàu chiến, máy bay không người lái và máy bay ném bom đến tuần tra gần khu vực hoạt động của giàn khoan West Capella (cho đến khi nó rời khỏi khu vực vào tháng 5) và việc Mỹ hiện triển khai ba tàu sân bay là tín hiệu cho thấy Mỹ hỗ trợ cho các đối thủ của Trung Quốc. Trong một lá thư gửi Liên Hiệp Quốc vào ngày 1 tháng 6, Mỹ đã phê phán “các yêu sách biển quá mức” của Trung Quốc. Mỹ đã gửi ngày càng nhiều tàu chiến đến thách thức những yêu sách đó bằng cách đi qua các vùng biển mà Trung Quốc nói rằng họ sở hữu. Chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải như vậy gần đây nhất vào ngày 28 tháng 5 là chiến dịch thứ năm trong năm nay. Ngay cả khi không có ADIZ, đối đầu sẽ ngày càng gia tăng.
Biên dịch: Phan Nguyên
(Nghiên cứu Quốc tế)
Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Đăng nhận xét