Lần đầu tiên kể từ năm 2017, Mỹ điều động ba tàu sân bay tới cửa ngỏ Biển Đông, bước đi có vẻ nhằm mục đích gửi thông điệp tới Trung Quốc, là sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực.
Chiến đấu cơ trên tàu sân bay USS Nimitz đang hoạt động ở Biển Philippines |
Hải quân Mỹ cho biết hai nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu thực hiện chiến dịch huấn luyện tác chiến tại Biển Philippines vào hôm Chủ nhật.
Theo đó, hai nhóm tàu sẽ phối hợp huấn luyện năng lực phòng không, trinh sát biển, tiếp vận, oanh kích tầm xa, phòng thủ trên không và các bài tập khác. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm phô trương "năng lực độc nhất vô nhị của Hoa Kỳ trong việc triển khai đồng thời nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay" trong thời gian gấp rút.
"Đây là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi cùng nhau tập luyện trong một kịch bản phức tạp", Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, Chỉ huy của Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt (Group 9), nói. "Khi làm việc cùng nhau trong môi trường này, chúng tôi sẽ cải thiện các kỹ năng chiến thuật của mình và sẵn sàng đối mặt với một khu vực ngày càng nhiều áp lực và trong bối cảnh đại dịch Covid-19".
Chuẩn đô đốc James Kirk, tư lệnh Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz (Group 11), nói rằng các chiến dịch phối hợp này "thể hiện sự kiên cường và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hải quân và là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện cam kết đối với an ninh và ổn định khu vực, nhằm bảo vệ các quyền quan trọng, gồm quyền tự do và sử dụng biển một cách hợp pháp vì lợi ích của tất cả các quốc gia".
Trong một sự kiện riêng rẽ nhưng xảy ra cùng thời gian, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan vốn có căn cứ tại Nhật Bản cũng thực hiện nhiệm vụ tại Biển Philippines, theo trang tin quốc phòng Task & Purpose.
Chiến đấu cơ F/A-18F Super Hornets bay phía trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong sứ mệnh tại Biển Philippines |
Giới chức Mỹ không cho biết chính xác các nhóm tàu này đang hoạt động ở đâu trên Biển Philippines vào hôm Chủ nhật cũng như hành trình tiếp theo sau đó. Tuy nhiên, eo biển Luzon giữa Đài Loan và Philippines được coi là cửa ngỏ vào Biển Đông, khu vực đang có nhiều căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia….
Giới quan sát đánh giá việc Mỹ bố trí ba tàu sân bay cùng lúc ở cửa ngỏ Biển Đông có thể khiến Trung Quốc lo ngại. Trước đó, phía Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích khi Mỹ điều ba nhóm tàu sân bay này tới hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương.
"Bằng cách tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng chứng minh cho cả khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, khi họ có thể tiến vào Biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa cũng như đưa tàu thuyền đi qua vùng biển gần đó, Mỹ có thể thực hiện chính trị bá quyền của mình", Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh đánh giá.
Tây Sa và Nam Sa là cách mà Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đối tượng tranh chấp giữa nước này với một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia Li Jie cũng nói rằng Trung Quốc có thể đáp trả bằng việc triển khai các cuộc diễn tập hải quân trong vùng biển này cùng lúc với Mỹ.
Gần đây, Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh hải quân với các thông điệp mạnh nhằm vào Đài Loan và Mỹ cũng như các quốc gia có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông. Về phía mình, dù đang đối phó với đại dịch Covid-19, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện thường xuyên tại khu vực này.
Đây là đợt triển khai tàu hải quân hùng hậu nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương kể từ năm 2017, thời điểm Mỹ cũng huy động ba đội tàu sân bay tới đây giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao.
(BBC)
Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Đăng nhận xét