Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về việc các qui tắc cũng như luật pháp quốc tế đang bị đe dọa, khi nhiều nước có những hành động đơn phương, áp đặt, sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế.
Không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc và các nước liên quan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam chỉ ra rằng tranh chấp Biển Đông là một trong những nguy cơ an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương “có thể đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực và quốc tế”.
Chỉ ít ngày trước khi ông Phạm Bình Minh đến New York, Trung Quốc và Nga đã tiến hành tập trận trong hơn 1 tuần ở Biển Đông, dù địa điểm cuộc tập trận cách xa nơi có nhiều tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines hàng trăm hải lý. Còn hồi đầu tháng 9, nói về phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng thống Nga Putin tuyên bố nước ông “ủng hộ lập trường của Trung Quốc” và “không công nhận quyết định mà tòa đưa ra”.
Ông Minh đề cập đến tình hình an ninh Châu Á, với hai điểm nóng là Bán đảo Triều Tiên và khu vực Biển Đông, nhấn mạnh rằng các bên liên quan phải hành xử kiềm chế, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982. Ngoài ra, ông Minh còn kêu gọi các bên làm đúng theo Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng tới hoàn thiện Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Việt Nam cam kết theo đuổi Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Sau đây là trích đoạn ông Phạm Bình Minh nói về vấn đề Biển Đông trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc:
“Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mặc dầu vậy, ẩn chứa nhiều nguy cơ xung đột, đặc biệt tại Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông, tất cả đều có khả năng đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, tuyệt đối tôn trọng các qui tắc ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng tới hoàn thiện Qui tắc ứng xử Biển Đông (COC).”
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói “sự đa phương, luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác và phát triển” là những yếu tố chủ chốt để xây dựng “một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Trên bình diện quốc tế, ông Minh nhấn mạnh “Luật phát quốc tế vẫn là then chốt của một cấu trúc an ninh quốc tế ổn định và một hệ thống đa phương mạnh”. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng “chính trị cường quyền và sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế vẫn là một mối đe dọa với hòa bình và an ninh quốc tế”, mặc dù ông không nêu cụ thể nước nào có những động thái kể trên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói tình hình quốc tế hiện nay buộc các nước phải làm việc cùng nhau để “thúc đẩy sự đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.
Ông phát biểu rằng Việt Nam tin rằng phải tăng cường sự đa phương và phải cải thiện hoạt động của các định chế đa phương, nhất là Liên hiệp quốc. Ông nói: “Liên hiệp quốc, kể cả Hội đồng Bảo an, phải cải tổ để bảo đảm công bằng, dân chủ và minh bạch nhiều hơn”.
Ông Minh cho biết Việt Nam đã quyết định ứng cử làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo An nhiệm kỳ 2020-2021 và sẽ tiếp tục gia tăng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Việt Nam từng là ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2008-2009 và đã cử 12 sỹ quan tham gia 2 phái bộ gìn giữ hòa ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
VOA
Mời xem thêm: Biển Đông: TQ thừa nhận ngư dân chính là “dân quân trên biển” (Soha). – Mỹ lo xung đột Biển Đông bùng nổ lúc giao thời Tổng thống cũ-mới (Tin tức). – Mỹ cần sẵn sàng chống TQ ở Biển Đông (PT). – Trung Quốc tuyên bố tuần tra biển Đông: Mỹ có cương quyết? (ĐV).
Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Đăng nhận xét