Tin Tức Cập Nhật 24/7
Home » » Bình dân Học vụ - Kỳ thị, cảnh giác và những ranh giới mờ mịt24/06/2020

Bình dân Học vụ - Kỳ thị, cảnh giác và những ranh giới mờ mịt24/06/2020

Đăng bởi: Admin on Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020 | 14:41



Bạn đi đường, thấy một người da đen trũi, môi dày, mắt trắng, bạn thấy… ghê ghê và tìm cách giữ khoảng cách an toàn. Đó có phải kỳ thị không, và tâm lý ấy có xấu không? Câu chuyện “kỳ thị và chống kỳ thị” lại đang nổi lên và gây chia rẽ ở “xứ An Nam”…


Bình dân Học vụ - Kỳ thị, cảnh giác và những ranh giới mờ mịt24/06/2020


***

Kỳ thị, tức là ta nhận xét, đánh giá tiêu cực về một ai đó hoặc một nhóm người nào đó vì nguyên nhân xuất phát từ chủng tộc, dân tộc, giới tính, ngoại hình, quê quán/ địa phương, nguồn gốc xuất thân/ thành phần gia đình, khuynh hướng tình dục, chính kiến, tôn giáo, nghề nghiệp… của họ.

Ví dụ, bạn nói “tay A keo kiệt, bẩn tính” thì đó là đánh giá của bạn về một cá nhân đơn lẻ, có thể đúng hoặc sai. Nhưng bạn nói “tay A dân Nghệ, (thảo nào) keo kiệt, bẩn tính” thì đó là kỳ thị vì bạn vơ đũa cả nắm, gộp toàn bộ người dân của một địa phương vào một nhóm và gán cho họ một tính xấu nào đó.

Bạn nói “mụ B tính tủn mủn, hẹp hòi thế mà làm chuyên gia chiến lược cho công ty, có chết không?” thì đó là đánh giá của bạn dành cho cá nhân bà B đó thôi, có thể đúng hoặc sai. Nhưng bạn nói “mụ B đàn bà, nông nổi giếng khơi, đ.* không quá ngọn cỏ, mà làm chuyên gia chiến lược cho công ty, có chết không?” thì đó là kỳ thị (vì nguyên nhân xuất phát từ giới tính).

Đơn giản không?

Khổ nỗi, câu chuyện kỳ thị không phải lúc nào cũng rõ ràng như thế.

“Tôi không kỳ thị, mà là cảnh giác”

Bạn đi đường, thấy một người da đen trũi, môi dày, mắt trắng, bạn thấy… ghê ghê (cảm giác cũng như khi bạn nhìn thấy một bệnh nhân bị bệnh về da liễu rất nặng vậy). Chưa hết, bạn biết rằng có nhiều người gốc châu Phi qua Việt Nam làm bậy, vi phạm pháp luật, như ăn cắp, lừa đảo, uống rượu gây lộn…

Thế là bạn tìm cách giữ khoảng cách an toàn với anh chàng da đen kia.

Ghê ghê, ngại ngại trong trường hợp này là một cảm giác tự nhiên của con người, rất khó tránh khỏi (nhưng có thể che giấu). Tâm lý đó cũng có thể đến khi bạn gặp những thanh niên mặt mày dữ tợn, và bạn lại biết là “đám này” có nhiều tiền án, tiền sự, thành tích bất hảo.

Đó là tâm lý cảnh giác, và sự cảnh giác là chính đáng. Điều quan trọng là nó không có hại cho ai, không làm tổn thương ai. Chừng nào nó không gây hại cho ai và không làm tổn thương ai, chừng đó, nó không đáng bị lên án.

Nghĩa là, bạn có thể cảnh giác với người da đen kia, nhưng phải che giấu sự cảnh giác ấy, đừng để anh chàng biết.

Thế là đạo đức giả?

Bạn sẽ phản ứng: “Cứ cảnh giác, nhưng phải che giấu, đừng để người ta biết là mình cảnh giác với họ? Như thế là đạo đức giả”.

Không phải vậy. Các Kitô hữu đều biết đến lời dạy của Đức Chúa, đại ý “đừng làm tổn thương người tàn tật”, mà ta có thể hiểu chung là “đừng làm tổn thương những người yếu thế”.

Bạn rất nên cảnh giác với những người “cần cảnh giác”, nhưng bạn đừng làm tổn thương họ – đó là cách hành xử lịch sự tối thiểu. Chẳng hạn, bạn chớ nhìn họ với ánh mắt khinh bỉ, nhổ nước bọt trước mặt họ hay vội vã đi rửa tay sau khi chạm vào họ… Không làm tổn thương con người thì là đạo đức thật chứ đâu phải đạo đức giả.

Tuy nhiên, đây cũng vẫn chỉ là phạm trù đạo đức cá nhân. Trên phương diện pháp lý, nếu luật không quy định cụ thể “cấm nhìn người yếu thế với ánh mắt khinh bỉ”, thì bạn vẫn có quyền làm vậy. Nếu luật quy định chung chung “cấm kỳ thị người yếu thế”, thì bạn vẫn có thể… cãi: “Tôi không hề biết anh ta là người yếu thế. Tôi chỉ nhìn thôi chứ có kỳ thị gì anh ta đâu”.

Nếu tôi cảnh giác và che giấu được sự cảnh giác, thì có phải là kỳ thị không?

Sự kỳ thị có thể được che giấu rất tinh vi. Ví dụ, bạn gặp một người da đen đang khát và anh ta xin bạn 10.000 đồng để mua nước uống, bạn không cho mà từ chối một cách lịch sự. Lý do là vì bạn thầm nghĩ “tay này là kẻ xấu”. Nhưng ngược lại, nếu đó là người da trắng, bạn rút 10.000 đồng giúp liền.

Dù được che giấu tinh vi thì đó vẫn là sự kỳ thị, nếu nó là sự phán xét, đánh giá tiêu cực về một người hoặc một nhóm người vì nguyên nhân chủng tộc, dân tộc, giới tính, ngoại hình, quê quán/ địa phương, nguồn gốc xuất thân/ thành phần gia đình, khuynh hướng tình dục, chính kiến, tôn giáo, nghề nghiệp… của họ.

Kỳ thị thì sai về đạo đức, đạo lý. Chưa kể còn sai về logic: Bạn cảnh giác là một chuyện, nhưng nếu bạn gặp một anh chàng da đen… mà bạn ngầm khẳng định trong đầu “tay này là kẻ xấu”, lại là câu chuyện khác. Logic là dù bạn có gặp đến 999 người da đen xấu tính, thì người thứ 1000 vẫn chưa chắc xấu.

“Ở đây không tuyển người Thanh Hóa”

Một công ty ở Bình Dương ra thông báo không tuyển công nhân quê Thanh Hóa. Lý do là họ đã gặp quá nhiều trường hợp công nhân Thanh Hóa làm thì ít, quậy phá thì nhiều, tính tình cục bộ địa phương, cấu kết bè phái. Công ty làm thế có phải là kỳ thị không?

Tất nhiên, đó là biểu hiện của sự kỳ thị không che giấu.

Bạn sẽ thắc mắc: Đây là một công ty tư nhân, họ có chính sách nhân sự thế nào là quyền của họ. Theo kinh nghiệm của ban giám đốc, nếu tuyển người Thanh Hóa thì khả năng rất cao là công nhân lại tiếp tục chia bè kéo phái, lục đục cãi vã, đánh phá nhau. Tại sao họ lại phải rước lấy rủi ro?

Xin trả lời: Trên phương diện đạo lý, đạo đức, chính sách nhân sự (có tính chất kỳ thị) đó của công ty Bình Dương nọ vẫn là sai. Bạn nghĩ xem, nếu có (ít nhất) một người Thanh Hóa rất lương thiện, tốt bụng, đàng hoàng, phù hợp với công việc, mà lại bị từ chối tuyển dụng vì “những người Thanh Hóa xấu tính”, thì có phải là bất công cho anh ta (và thiệt cho công ty) không?

Giả sử nữa, nếu các công ty đều kỳ thị, không tuyển công nhân Thanh Hóa, thì anh ta sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, nghèo khổ, con cái không được đến trường. Vậy là anh ta phải chấp nhận làm nghề đồng nát, ve chai, trong khi anh có đủ năng lực để có một việc làm tốt hơn thế, với thu nhập cao hơn. Ấy là chưa kể nếu túng quẫn quá, anh ta có thể sẽ chọn hành động phạm pháp (như buôn bán ma túy, trộm cắp, cướp giật…). Vòng luẩn quẩn đói nghèo và phạm pháp đó sẽ lặp đi lặp lại mãi đến đời con anh, cháu anh… nếu xã hội không bớt kỳ thị người Thanh Hóa.

Vậy là vì chính sách kỳ thị của các công ty mà con trẻ thì thất học, cha mẹ thì nghèo đói, phạm pháp. Trong trường hợp này, kỳ thị là phi đạo đức, và trên phương diện quản lý xã hội, nhà nước bắt buộc phải can thiệp, thậm chí bằng pháp luật: Cấm các doanh nghiệp kỳ thị, phân biệt đối xử trong chính sách nhân sự. Đây là chuyện đã và đang diễn ra trên thực tế ở các nước phương Tây phát triển. Tại Mỹ, Canada, Úc, một công ty (kể cả công ty tư nhân) ra thông báo “không tuyển dụng người da đen/ Mexico/ châu Á/ Hồi giáo” chẳng hạn, có thể bị kiện, bị phạt rất nặng, thậm chí bị tẩy chay.

Tương tự, những quảng cáo “tuyển nam công nhân” bị coi là kỳ thị phụ nữ, “tuyển nhân viên nữ tuổi từ 18-28, ngoại hình đẹp” bị coi là kỳ thị người nhiều tuổi và/hoặc có hình thức không đẹp. Bạn có thể băn khoăn: “Vậy nếu một đoàn làm phim thật sự cần thuê nữ diễn viên trẻ, đẹp thì làm sao đăng tuyển?”. Câu trả lời là họ vẫn chỉ được đăng tuyển diễn viên mà không có những câu từ có thể bị quy là kỳ thị, và khi tiến hành lọc hồ sơ hoặc phỏng vấn, thì khéo léo loại những người không đạt tiêu chí “trẻ đẹp” ra (không được để người ta cảm thấy bị tổn thương). Hoặc, phần mô tả công việc trong quảng cáo tuyển dụng chứa những thông tin khiến những người “nhiều tuổi, không đẹp” tự thấy mình không phù hợp, để không ứng tuyển, ví dụ: “Vai diễn này đòi hỏi nhân vật nữ biết lái xe tốc độ cao…”.

Văn minh là ở chỗ đó.

Áp dụng ở Việt Nam, nếu công ty nọ cảnh giác và không muốn sử dụng lao động Thanh Hóa thì ban giám đốc phải làm sao? Cách làm văn minh là đừng tuyên bố công khai “ở đây không tuyển công nhân Thanh Hóa”, hãy cứ đăng tuyển bình thường và chuyển “kỳ thị” thành “cảnh giác”: Khi gặp một hồ sơ “quê Thanh Hóa”, ban giám đốc sẽ đọc hồ sơ cẩn thận hơn, phỏng vấn kỹ hơn, và trong quá trình làm việc, có thể giám sát chặt chẽ hơn (chặt chẽ nhưng lịch sự, không làm tổn thương họ, không đánh giá họ dựa trên những tiêu chuẩn khắt khe hơn so với công nhân tỉnh khác).

Kỳ thị – có phải “bản năng gốc”?

Đến đây, ta đều thống nhất rằng kỳ thị là thói xấu, là bất lịch sự, thiếu đạo đức. Nhưng ngay cả ở những xã hội văn minh (nơi các công ty có chính sách kỳ thị sẽ bị tẩy chay, nơi kỳ thị bị coi là thái độ xấu), cũng không phải 100% dân số đã xóa bỏ được tư tưởng kỳ thị.

Gần đây, trên mạng xuất hiện một video trong đó một cô gái Úc da trắng đã nhổ bọt vào người gốc Việt Nam. Xa hơn nữa, trong thế giới thể thao, cầu thủ Materazzi của Italy từng xúc phạm xuất xứ Algeria của Zidane. Sau này, Materazzi phủ nhận chuyện đó, nhưng cách anh phủ nhận lại càng chứng tỏ sự kỳ thị có ở khắp nơi: “Ở bất kỳ thành phố nào như Rome, Naples, Torino, Milan, hay Paris, tôi đều nghe thấy những điều tệ hơn rất nhiều”.

Cảnh giác thì lại là bản năng của con người để tự bảo vệ bản thân, và sự phân định giữa kỳ thị và cảnh giác quả thật rất mù mờ. Khó có thể đưa ra một lằn ranh rạch ròi: Thế này là cảnh giác chính đáng, OK; thế kia là kỳ thị tinh vi, không OK. Có lẽ con người cần nhiều hơn nữa sự nhạy cảm, tinh tế để có thể thấu hiểu và bao dung hơn với nhau, chứ luật pháp không định nghĩa cứng nhắc được mà cũng không xử lý hết được các trường hợp kỳ thị. Người nào có sẵn “máu” kỳ thị thì sẽ luôn có lúc bộc lộ tư tưởng đó.

Do đó, chống kỳ thị không thể chỉ là một chính sách ngắn hạn, mà là “chuyện dài bất tận”, cần được thực hiện trên mọi địa hạt: giáo dục, khoa học, nghệ thuật, văn hóa, kinh tế, chính trị, luật pháp… Và trong mọi trường hợp, mỗi người đều có thể ít nhiều tự thay đổi bản thân mình mà không cần chờ xã hội thay đổi.

Không bao giờ con người hết hẳn tâm lý kỳ thị. Nhưng lên án kỳ thị, giáo dục về sự xấu xa của kỳ thị, trừng phạt các hành vi kỳ thị, bày tỏ thái độ phản đối kỳ thị… là việc tất cả những người có lương tri phải làm, tất cả các xã hội văn minh phải hướng tới.


“Bình dân Học vụ” là một nhóm viết được thành lập ngày 10/6/2020 với mục đích tập trung vào những bài viết cung cấp kiến thức căn bản, đơn giản nhất về logic, triết học, chính trị, pháp luật… cho người đọc Việt Nam. Phương châm của nhóm là phải bắt đầu mọi thứ từ điều cơ bản nhất: tập cách tư duy.

https://www.luatkhoa.org/

Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Chia sẽ bài này :

Đăng nhận xét

 
Top ↑ Copyright © 2008. Tin Tức Hàng Ngày - All Rights Reserved
Back To Top ↑