Tin Tức Cập Nhật 24/7
Home » » Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa

Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa

Đăng bởi: Admin on Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020 | 06:00


Hội Văn-Nghệ-Sĩ Quân-Đội là 1 tổ chức văn hóa kết hợp các văn nghệ sĩ thuộc đủ các bộ môn hiện phục vụ trong quân ngũ nhằm mục đích phát triển văn nghệ quân đội, nới rộng trên bình diện văn hóa, xây dựng dân chủ tự do, cùng ngăn chận mọi ảnh hưởng của những sáng tác văn nghệ có thể tác hại đến đời sống tinh thần của chiến sĩ cũng như của quần chúng.

Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa
Được phép của Bộ Tổng-Tham-Mưu QLVNCH theo SVVT số 28332 TTM/TC CTCT/TLC ngày 8-5-67 để thành lập Hội Văn-Nghệ-Sĩ Quân Đội, một Đại-Hội Văn-Nghệ Toản Quân đã được tổ chức từ ngày 31-5-67 đến ngày 2-6-67 dưới quyền chủ tọa của Thiếu-Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành-Pháp Trung Ương và sự tham dự của nhiều vị quan khách và báo giới.

Đại Hội đã quy tụ được 250 đại biểu văn nghệ sĩ quân nhân toàn quốc để thảo luận các vấn đề văn nghệ, sự cần thiết của việc thành lập Hội Văn Nghệ-Sĩ Quân-Đội, thông qua bản Điều-Lệ của Hội và bầu ban Chấp Hành của nhiệm kỳ I

Hiện nay Hội Văn Nghệ-Sĩ Quân-Đội đã được Bộ Nội-Vụ cho phép hợp thức hóa trở thành 1 Hiệp Hội Văn-Hóa chính thức có tầm hoạt động rộng lớn cả trong và ngoài quân đội. (Nghị-Định số 8I4/BNV/KS/I4 ngày 2-10-I970 của Bộ Nội-vụ).

Cho đến nay Hội đã quy tụ được trên 300 Hội-viên chính thức có nộp đơn tình nguyện gia nhập và trong tương lai số Hội-viên sẽ tăng thêm ước lượng là 500 người đủ các bộ môn văn nghệ.

CHƯƠNG 1 - DANH HIỆU, MỤC-ĐÍCH VÀ HOẠT-ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 1. Dưới danh hiệu Hội Văn-Nghệ-Sĩ Quân-Đội, nay thành lập một tổ chức Văn hóa kết hợp các văn-nghệ-sĩ thuộc đủ các bộ môn hiện phục vụ trong quân ngũ.

Điều 2. Hội có tánh cách vĩnh viễn. Trụ sở của Hội đặt tại Saigon số 72 đường Nguyễn-Du.

Điều 3. Hội có mục đích phát triển nền văn-nghệ quân đội, nới rộng trên bình diện văn hóa, công cuộc tranh đấu của quân- đội chống lại chủ nghĩa cộng sản, xây dựng dân chủ, tự do, cùng ngăn chận, đánh bạt mọi ảnh hưởng của những hoạt động văn nghệ nói riêng cũng như văn-hóa nói chung có thể tác hại đến đời sống tinh thần của chiến sĩ cũng như của quần chúng.

Điều 4. Những hoạt động của Hội bao gồm :

- Khám phá, phát hiện những tài năng tiềm tàng trong các đơn vị, giúp đỡ họ có cơ hội phát triền, tiến bộ.

- Giúp đỡ, can thiệp cho những văn nghệ sĩ quân đội những tài liệu, phương tiện xuất bản, triển lãm, trình diện những sáng tác của họ.

- Gây những phong trào sáng tác, triển lãm, trình diễn, diễn thuyết rầm rộ nhờ sự góp mặt đồng đủ của tất cả các văn nghệ sĩ quân đội.

- Hội họp, thảo luận để trao đổi những kinh nghiệm nghệ thuật, xây dựng cho nhau để trau dồi kỹ thuật, kiên định đường hướng hầu đầy mạnh công tác văn nghệ dân tộc nói chung và văn nghệ quân đội nói riêng càng ngày càng mở mang tiến bộ.

- Giúp đỡ cho các văn nghệ sĩ quân đội được xuất ngoại trong những dịp trao đổi văn hóa với các nước bạn để họ có cơ hội học hỏi, thâu thái, nghiên cứu tinh hoa, tổ chức văn hóa của nước ngoài.

- Bảo vệ tinh thần và quyền lợi vật chất những sáng tác phẩm của Hội-viên.

- Tổ chức những giải thưởng văn nghệ lớn để khuyến khích;

Điều 5. Mọi hoạt động xuất-bản, trình-diễn, diễn thuyết, triển lãm không do Hội chủ trương đều không được dùng danh nghĩa của Hội.

Điều 6. Hội Văn-nghệ-Sĩ Quân-đội chỉ hoạt động trong phạm vi văn hóa tuyệt đối không nhân danh Hội để tham gia vào những biến động chính trị. Hội-viên được toàn quyền sáng tác, trình diễn, diễn thuyết theo quan niệm nghệ thuật và cách thế xã hội của riêng mình, miễn không gâyphương hại đến tinh thần Quân đội, lợi ích của quốc gia. Mọi hoạt động văn hóa phương hại đến uy tín của Hội đều không được Hội chấp nhận.

CHƯƠNG II — THÀNH-PHẦN

Điều 7. Thành phần của Hội gồm có những Hội-viên Hoạt-động, Hội-viên Bảo-trợ và Hội-viên Danh dự.

a) Hội-viên Hoạt-động: Có thể trở thành Hội-viên Hoạt-động những quân nhân có hoạt động văn nghệ, thuộc bất cứ bộ môn nào, thuộc bất cứ đơn vị nào, thuộc bất cứ cấp bực nào chấp nhận tôn chỉ và Điều lệ của Hội, cam kết hoạt động để thực hiện mục đích của Hội và do hai Hội-viên Hội giới-thiệu. Sự gia nhập Hội hoàn toàn đặt trên căn bản tự nguyện. Hội viên Hoạt-động không phải đóng nguyệt-liễm.

b) Hội viên Bảo-trợ: Hội-viên Bảo-trợ là những quân nhân các cấp hoặc những nhân vật ở ngoài quân-đội có thiện ý và cảm tình với văn nghệ quân đội đã trợ giúp phương tiện hoạt động cho Hội dưới mọi hình thức tinh thần hay vật chất.

c) Hội-viên Danh- dự: Hội-viên Danh dự của Hội là những nhân vật dân sự hay quân sự, trong hoặc ngoài nước, thuộc giới văn hóa, ủng hộ mục đích của Hội và được Ban Chấp-Hành trao tặng danh hiệu đó. Hội-viên Danh-dự và Hội-viên Bảo-trợ phải được Ban Chấp-Hành của Hội nhìn nhận với đa số tương đối thăm biểu quyết.

CHƯƠNG III - TỔ CHỨC

Điều 8. Tổ chức của Hội gồm có:

-Đại -Hội

-Ban Chấp-hành

-Văn-phòng Thường-vụ

Điều 9. Thành phần Đại hội gồm có các Hội-viên Hoạt động và các Hội-viên Danh dự. Nếu cần, có thể mời thêm các Hội-viên Bảo-trợ.

Điều 10. Đại Hội có thẩm quyền tối cao quyết định. Đại hội nhóm họp mỗi năm 2 lần, ngoại trừ các phiên đại hội bất thường do Ban Chấp-hành triệu tập. Ban Chấp-hành phụ trách soạn thảo chương trình nghị sự. Đại-Hội duyệt xét và thông qua các báo cáo của Ban Chấp-Hành, ấn định chương trình hoạt động của Hội trong 6 tháng tới.

Điều 11. Ban Chấp hành của Hội gồm có những nhân viên đảm nhiệm những chức-vụ

- Chủ-tịch.

- 2 Phó Chủ-tịch.

- Tổng Thư ký.

- Phó Tổng Thư-ký.

- Ủy viên Văn.

- Ủy viên Thơ.

- Ủy viên Sân Khấu (Thoại kịch Cải-lương).

- Ủy viên Hội-Họa (gồm cả Điêu- khắc).

-Ủy-viên Vũ.

- Ủy-viên Phim-Ảnh (gồm Nhiếp-ảnh, Điện ảnh và VTTH).

- Ủy -viên Báo-chi.

- Ủy-viên Tài-chánh.

- 3 Cố-vấn do Đại-Hội bầu ra hay do Ban Chấp-hành đứng mời theo thể thức bầu phiếu kín với đa số tương đối của Đại -Hội, trong nhiệm kỳ một năm. Trong trường hợp khuyết vị và trong khoảng thời gian giữa hai kỳ Đại-Hội, Ban Chấp-Hành có thể tạm thời đứng ra bổ nhiệm các chức khuyết tịch với sự đồng ý của 2/3 nhân viên Ban Chấp-Hành.

Ban Chấp-Hành nhóm họp 3 tháng một kỳ. Những phiên thường sẽ do Chủ Tịch triệu tập hay theo đề nghị của hơn nửa số tham dự. Biên bản phiên họp một khi được chấp nhận sẽ có hiệu lực

Nghị- định của Ban Chấp-Hành sẽ lấy theo đa số tương đối. Ban Chấp- Hành có đủ thẩm quyền rộng rãi để tiến hành mọi công việc của Hội và để theo đuổi mục đích và tôn chỉ của Hội.

Điều 13.

§ Chủ-Tịch :

- Đại diện Hội trong mọi trường hợp.

- Ký các văn kiện.

- Triệu tập Ban Chấp-Hành và Đại-Hội.

- Chủ tọa và điều khiển các phiên họp.

- Trông nom việc thi hành Điều lệ, Nội-quy các quyết nghị của Đại- Hội và Ban Chấp-Hành.

- Có quyền ký xuất những món tiền dưới 10.000$. Những khoản chi tiêu trên 10.000$ phải có sự chấp thuận của toàn Ban Chấp-Hành.

· Phó Chủ-Tịch I :

- Phụ tá Chủ -Tịch, đặc trách kế hoạch và thay thế Chủ Tịch trong thời gian người nầy vắng mặt.

· Phó Chủ-Tịch II :

- Phụ tá Chủ- Tịch và đặc trách giao-tế.

· Tổng thư ký :

- Giữ gìn các văn kiện và sổ sách của Hội. Lập tờ trình về hoạt động của Hội. Thảo chương trình nghị sự và lập biên bản các phiên họp. Hội ý với các Ủy-viên trong Ban Chấp-Hành để vạch các kế hoạch hoạt động.

· Phó Tổng Thư- ký :

- Phụ tá Tổng-Thư-Ký.

· Ủy viên các bộ môn Văn-Nghệ :

- Hoạt động và chịu trách nhiệm về các Ban chuyên môn.

· - Ủy viên Tài-Chánh :

- Thâu, xuất, giữ tiền bạc và sổ sách về kế toán.

- Có quyền giữ tiền mặt đến 50.000$. Số tiền thặng dư phải gửi vào chương mục của Hội ở Ngân hàng hay Tổng Nha Ngân-khố.

- Lập báo cáo hằng lục cá nguyệt về tình hành tài chánh của Hội trước Đại-Hội.

§ Cố vấn :

- Giúp ý kiến chung cho Ban Chấp-Hành.

Điều 14. Trong các phiên họp của Ban Chấp-Hành, phải có 2/3 số nhân viên tham dự thì sự biểu quyết mới có hiệu lực.

Các quyết nghị phải hơn 1/2 số nhân viên có mặt chấp thuận.

Trong trường hợp số thăm thuận và thăm nghịch bằng nhau, ý kiến của Chủ Tịch có tính cách quyết định.

Điều 15. Chủ- Tịch Ban Chấp-Hành sau khi tham khảo ý kiến 2 Phó Chủ -Tịch và Tổng-thư-ký sẽ đề cử một Văn-Phòng Thường-Vụ phụ trách, thừa hành quyết nghị của Ban Chấp-Hành và điều hành các hoạt động của Hội.

CHƯƠNG IV - RA HỘI, KHAI TRỪ

Điều 16. Hội-viên có quyền rút ra khỏi Hội. Khi xuất ngũ, nếu sau 2 năm mà không có hoạt động gì liên lạc với Hội thì đương nhiên xem như ra khỏi Hội. Ban Chấp-Hành có quyền cảnh cáo, khai trừ Hội-viên nào có việc làm phương hại đến tôn chỉ của Hội. Việc cảnh cáo, khai trừ được đưa ra biểu quyết trước Ban Chấp Hành và đương sự có quyền bào chữa.

CHƯƠNG V - SỬA ĐÔI ĐIỀU-LỆ, GIẢI TÁN

Điều I7. Bản Điều-Lệ này chỉ có thể được sửa đổi bởi Đại Hội theo đề nghị của Ban Chấp-Hành hay theo đề nghị của 1/4 hội viên gởi tới Ban Chấp Hành chậm nhất là nửa tháng trước kỳ Đại-Hội. Thủ tục sửa đổi phải theo đa số 2/3 số phiếu.

Điều I8. Hội chỉ bị tuyên bố giải tán nếu có đa số 2/3 Hội -viên trong kỳ Đại-Hội do Ban Chấp -Hành triệu tập hợp lệ để bàn về vấn đề này.

CHƯƠNG VI - TÀI SẢN CỦA HỘI

Điều 19. Tài sản của Hội là những tài sản do các Hội-viên Bảo-trợ cung cấp, của chính quyền hay tư nhân tài trợ hoặc tiền thu trong mọi hoạt động hợp pháp của Hội và những động sản và bất động sản do Hội thủ đắc. Trong trường hợp giải tán, việc thanh toán tài sản sẽ do Ban Chấp-Hành quyết định dưới sự kiểm soát của Đại diện do Đại Hội đề cử.

CHƯƠNG VII - THẢNH-LẬP VÀ PHÁP-LÝ

Điều 20. Hội Văn-nghệ-sĩ Quân-đội được thành lập và hoạt động theo khuôn khổ của Dụ số 10 ấn-định về việc thành lập Hiệp- hội theo các thể lệ hiện hành.-

=====================================================================

CHÚ THÍCH:


1) Đây là phần dẫn nhập vào Chương 11, "Điều lệ & Nội Quy Nhóm Bút Việt & Trung tâm Văn bút Việt Nam, Hội Nhà Văn, Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội-Việt Nam Cộng Hòa" trong cuốn Ủy Ban Văn Nghệ sĩ -Bị Cầm tù * Cánh chim phượng hoàng tái sinh từ Trung Tâm Văn bút Việt Nam Lưu vong. [Nguyễn Tà Cúc, Nhà Xuất bản Mẹ & Con, Hoa Kỳ, 2014].

"Trước 1975, Việt Nam Cộng hòa vun xới và gầy dựng một nền văn học đa dạng, nhất là về phương diện báo chí. Vào tháng 5. 1972, Miền Nam có khoảng tổng cộng 34 tờ nhật báo, 12 nhật báo hay tạp chí Hoa ngữ, 3 nhật báo hay tạp chí Anh ngữ và 1 nhật báo Pháp ngữ. Sau đó, một danh sách độc đáo khác do Linh mục André Gelinas lập vào tháng giêng, 1974 cho thấy có 94 tờ của tư nhân hay đoàn thể và 41 tờ do chính phủ ấn hành. Danh sách này dĩ nhiên không thể đầy đủ lại không liệt kê hết các tờ nhật báo nhưng rất cần thiết vì gồm cả danh tính chủ nhiệm&chủ bút, địa chỉ tòa soạn, ngày phát hành đầu tiên và khoảng 2 dòng tóm tắt nội dung. Về tạp chí văn học, có Bách Khoa, Văn, Văn học, Khởi Hành, Thời Tập vv và những tạp chí chuyên môn từ các trường đại học như Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh, Đại Học của Viện Đại học Huế mà các cây bút chủ lực cũng là những tác gia cộng tác với các tạp chí văn học đã dẫn.

Khác với Miền Bắc, những hội nhà văn của Miền Nam không do chính phủ thành lập, bởi thế không nhận quyền lợi nào, trừ Nhóm Bút Việt & Trung tâm Văn bút Việt Nam. Tổ chức này được tài trợ rất hậu từ chính phủ và một số cơ quan tư nhân vì được đại diện Việt Nam Cộng hòa phó hội với các tổ chức văn hóa ngoại quốc. Ngoài Trung tâm Văn bút Việt Nam, còn có 2 hiệp hội khác quy tụ một số lớn văn nghệ sĩ. Sau 1975, hầu hết hội viên của ba hội này đều bị bắt giam. Có hội viên chết trong tù, có hội viên chết trên đường vượt biển vượt biên. Tác phẩm của họ bị tiêu hủy, bị cấm lưu giữ hay cấm lưu hành cho tới nay. Sau đây là nguyên văn Bản Điều Lệ hay/và Nội Quy của ba hội ấy trong cuốn Niên Giám Văn Nghệ Sĩ và Hiệp Hội Văn Hóa Việt Nam (1969-1970) do Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa ấn hành năm 1970 tại Sài gòn.

1. Nhóm Bút Việt & Trung tâm Văn bút Việt Nam, thành lập vào năm 1957 (trang 719-728),

2. Hội Nhà Văn, thành lập vào năm 1962 (trang 537-543, sđd),

3. Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội, thành lập vào năm 1967 (trang 639-650, sđd)." [Nguyễn Tà Cúc, sđd, trang 147-148]

Phần "Điều lệ & Nội Quy Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội-Việt Nam Cộng Hòa" thượng dẫn được in lại từ trang 163 tới trang 169 [Nguyễn Tà Cúc, sđd].-

2) Tạp chí Khởi Hành có thay đổi Ban Biên tập chút ít theo thời gian nhưng những người có tên sau đây lập thành "Ban Biên Tập Thường Xuyên" đã cùng Anh Việt Trần Văn Trọng và Viên Linh đưa tên tuổi tạp chí quân đội này vào lịch sử Văn Học Miền Nam như một tạp chí văn học. Tôi muốn ghi lại tên tuổi, tất cả đều phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, để tưởng nhớ công lao họ.

Chủ nhiệm, Chủ bút: Anh Việt Trần Văn Trọng

Thư ký Tòa soạn: Viên Linh

Ban Biên Tập Thường Xuyên: Tô Kiều Ngân, Lê Đình Thạch, Hoàng Ngọc Liên, Đặng Trần Huân, Nguyễn H. Thông, Dương Trữ La.

Vẽ: Nguyễn Hữu Nhật, Lưu Huỳnh Truyền, Nguyễn Hải Chí

-Dương Trữ La: phụ trách phần lớn mục "Thời Sự và Nghệ Thuật" cùng Đặng Trần Huân. Đây là một mục nặng nhọc, nhất là cho báo tuần. Với dân làm báo thì 1 tuần qua rất nhanh.

-Nguyễn Hữu Nhật: nhà thơ/tay vẽ có hạng, phụ trách minh họa và vignette cùng với Lưu Huỳnh Truyền. Là 2 họa sĩ chính cho tờ báo.

-Nguyễn Hải Chí: còn ký là CHÓE. Biệt danh này do nhà thơ Viên Linh đặt và hướng dẫn ông vào bước "khởi hành" của một đời biếm họa danh tiếng nhất Việt Nam. Những ký họa chân dung văn nghệ sĩ [ký Nguyễn Hữu Chí] rất đặc sắc.-



http://www.gio-o.com/HoLieu/DieuLeVanNghesiVNCH

Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Chia sẽ bài này :

Đăng nhận xét

 
Top ↑ Copyright © 2008. Tin Tức Hàng Ngày - All Rights Reserved
Back To Top ↑