Tin Tức Cập Nhật 24/7
Home » » Kịch bản nào trong vụ Hồ Duy Hải sẽ cứu nền tư pháp Việt Nam?

Kịch bản nào trong vụ Hồ Duy Hải sẽ cứu nền tư pháp Việt Nam?

Đăng bởi: Admin on Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020 | 09:33


Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức năm 2016
Quốc Hội lên tiếng

Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp quốc hội ngày 16 tháng 6 với sự tham gia của gần 40 thành viên, đa số thành viên Uỷ ban Tư pháp kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, theo đúng thẩm quyền tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Điều 404 nêu rõ, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Như vậy, để Hội đồng Thẩm phán mở phiên họp xem xét lại quyết định hôm 8 tháng 5 (không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm), thì cần đến bốn cơ quan yêu cầu, kiến nghị.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam nhận định:

“Vụ án đó giờ đã lên đến tột đỉnh rồi. Tranh chấp quyết liệt giữa Viện Kiểm sát Tối cao và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Bây giờ đương trình tới Quốc hội nên cũng đang chờ xem Quốc hội có ý kiến thế nào. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của nước CHXHCNVN có một vụ án lớn chuyện, đình đám như thế. Khả năng sẽ như thế nào thì cũng khó đoán!

Theo luật sư Trần Quốc Thuận, tại phiên giám đốc thẩm kết thúc hôm 8 tháng 5, tất cả 17 vị đều giơ tay đồng thuận từng vấn đề một, tất cả ba lần. Tất cả những người đó đều phải chịu trách nhiệm cá nhân cho quyết định của mình.

Nhà báo, nhà quan sát thời cuộc Nguyễn An Dân cho biết ông nghiên cứu sâu về cả luật pháp lẫn chính trị, và ông thấy rằng Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phải đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Sau đó tiến tới cải cách hệ thống tòa án tối cao bằng cách dần dần thuyên chuyển, xử lý kỷ luật từng người để giải tán Hội đồng Thẩm phán cũ, lập Hội đồng Thẩm phán mới tiến bộ hơn một chút. Đây là vấn đề tồn vong của chế độ. Ông phân tích:

“Hiện giờ đảng đang có nhu cầu chấn chỉnh tư pháp để giữ lại niềm tin của người dân. Không thì sụp đổ chế độ thật. Đảng không sợ những người ở giai tầng thấp cổ bé họng như anh Hồ Duy Hải biết đảng sai. Đảng chỉ sợ những người ở tầng lớp trung lưu, thị dân và giới có hiểu biết. Đây là giới là nền tảng, là chỗ dựa của bất kỳ chế độ nào chứ không chỉ chế độ cộng sản.

Nó sẽ có kịch bản diễn ra gần giống như cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp thời xưa. Khi giới trung lưu, thị dân và giới quý tộc họ không tin vào pháp luật của một nhà nước nữa thì đó là dấu hiệu sụp đổ của một nhà nước. Đảng cộng sản Việt Nam phải tránh điều đó.”

Vụ án Hồ Duy Hải bắt đầu xảy ra từ năm 2008, tức đã 12 năm. Nhưng từ sau phiên giám đốc thẩm, vụ án nóng chưa từng có. Nhiều bản kiến nghị ra đời, giới trí thức lên tiếng không chỉ cho sinh mạng một con người, mà còn cho cả nền tư pháp Việt Nam hiện nay. Họ nhận thức được rằng, nếu những phiên tòa bất chấp pháp luật, bất chấp luật tố tụng hình sự tiếp tục diễn ra mà được cấp cao nhất là Hội đồng Thẩm phán bao che thì mọi người dân Việt Nam đều là những “tử tù dự bị”, chứ không chỉ Hồ Duy Hải hôm nay.

Tối 14 tháng 5, một bản kiến nghị đòi công lý cho Hồ Duy Hải được công khai trên mạng xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ủy ban giám sát vụ án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm. Nếu phát hiện sai sót nghiêm trọng, Quốc hội tiến hành bãi nhiệm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các thành viên Hội đồng thẩm phán, bầu chánh án và phê chuẩn các thẩm phán mới.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định về hành động của Ủy ban Tư pháp Quốc hội chiều 16 tháng 6 về vụ án Hồ Duy Hải:

“Việc này thì có lẽ ban đầu Hội đồng Thẩm phán cũng không ngờ cái phản ứng của công luận nó lớn và sâu rộng đến mức độ như vậy. Nhưng sau nhưng phản ứng như vậy và sau động tác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội thì tôi nghĩ họ phải xem lại vấn đề. Nếu họ không xem lại thì chắc bên đảng cũng phải xem lại. Mà khi đảng xem lại thì vấn đề sẽ phải thay đổi.
Nó cần phải có sự thay đổi quan điểm, cần có sự tác động đúng, một sự quyết tâm về chính trị. Mà sự quyết tâm này lại không nằm ở ngành tòa án. Nó nằm bên phía Ba Đình, là cơ quan đầu não của tổ chức đảng.”

Kết quả sẽ ra sao?

Để Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao mở phiên họp để xem xét lại quyết định hôm 8 tháng 5 theo Điều 404 BLHS thì cần đến bốn cơ quan yêu cầu, kiến nghị. Đó là Ủy ban thường vụ Quốc hội; Ủy ban tư pháp của Quốc hội; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Kết quả chưa biết ra sao nhưng theo ghi nhận của RFA thì dư luận không tin sẽ có một kết quả công bằng cho Hồ Duy Hải nếu Hội đồng Thẩm phán vẫn giữ nguyên nhân sự như hiện nay.

Luật sư Trần Quốc Thuận nêu quan điểm của ông:

“Nếu bây giờ có ngồi xét xử lại thì không thể chỉ thay ông chủ tọa mà phải thay hết 17 người đó. Trong luật tổ chức cũng như trong Hiến pháp chưa có dự liệu đó. May ra thì để cho ‘dịu’, mọi người tự hiểu với nhau thì ông Chủ tịch nước sẽ tuyên bố giảm án tử hình xuống chung thân. Chung thân mà được giảm án xuống 20 năm, thi hành án được 20 năm thì được ra.”

Nhà báo Nguyễn An Dân thì khẳng định, nếu vẫn duy trì 17 vị này thì việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải không còn quan trọng nữa. Những người đang quan sát đảng về việc này họ mong muốn một điều cao hơn, đó là sự cải tổ toàn diện ngành tòa án Việt Nam. Xa hơn nữa là cải tổ các hoạt động của tư pháp Việt Nam. Họ đấu tranh cho Hồ Duy Hải vì nhìn thấy rằng, hôm nay bắn được Hải thì ngày mai sẽ bắn được họ. Ông dự đoán:

“Sau này Giám đốc thẩm sẽ hủy quyết định lần trước và đưa vụ này về tòa án Long An xét xử lại từ đầu. Lúc đó tòa án Long An sẽ nhận được “mật chỉ” và sẽ xử lại công tâm và khách quan. Nó không liên quan đến vấn đề của tòa án tối cao. Trong lúc đó người ta tiếp tục cải tổ hệ thống tòa tối cao.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh đưa ra một kịch bản mà ông gọi là một “kịch bản hoàn hảo” cho vụ này:

“Theo kịch bản này, có thể cơ quan tư pháp, tức ngành tòa án vẫn sẽ kiên quyết giữ bằng được quan điểm của mình. Khi đó Hồ Duy Hải chỉ còn một cửa duy nhất là xin Chủ tịch nước ân xá. Khi ân xá như vậy là mặc nhiên chấp nhận mình có tội. Sau đó ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là chủ tịch nước sẽ ban hành lệnh ân xá.

Với lệnh ân xá như vậy thì rõ ràng cơ quan tư pháp vẫn giữ được thể diện của mình là không chấp nhận sai và công chúng thì phần nào thỏa mãn là Hồ Duy Hải thoát án tử hình.”

Một số cột mốc đáng chú ý của vụ án xin được nhắc lại: Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Năm 2014, trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Công lý cần được thi hành là mong muốn của mọi người quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải!
 
(RFA)

Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Chia sẽ bài này :

Đăng nhận xét

 
Top ↑ Copyright © 2008. Tin Tức Hàng Ngày - All Rights Reserved
Back To Top ↑