Hình minh họa |
Là một người quan sát và phân tích phong trào tự do dân chủ đã hơn nửa thập niên, tôi đã chứng kiến nhiều làn sóng và trào lưu xuất hiện để rồi tan biết. Mỗi khi có một sự kiện hay vụ việc nào đó gây chấn động thì ai cũng sẽ tiên đoán với mức độ vô cùng chắc chắn rằng cơ chế hiện tại sẽ sụp đổ, kéo theo sự tan rã của tổ chức cầm quyền.
Nhưng năm tháng cứ trôi qua và gần như chẳng có gì thay đổi, ngoài điều ngược lại. Bất chấp những xung đột, chính quyền vẫn ổn định quyền lực. Vượt qua mọi thử thách, nền kinh tế vẫn phát triển bền vững. Mặc kệ hàng trăm nhà bất đồng chính kiến bị bắt, quốc tế vẫn coi Việt Nam là đối tác tin cậy. Cho dù sự bất mãn trong dân chưa bao giờ giảm, nỗ lực chống đối chỉ tồn tại chủ yếu trong mạng xã hội chứ gần như vô vọng ở ngoài đời.
Những cá nhân can đảm kia dám đối mặt rất đáng ngưỡng mộ vì họ đang làm một điều gần một trăm triệu người còn lại không thể và không dám. Nhưng phải thành thật nhận xét rằng, cơ hội thành công để biến đổi thể chế là gần không.
Lỗi không nằm ở họ mà thuộc về phần lớn đám đông. Đa số dân chúng không có nhu cầu cho cái gọi là tự do dân chủ. Khái niệm đó luôn là sự khát khao của bất cứ dân tộc nào, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ muốn đánh đổi để lấy được nó. Cho nên cái gọi là “phản động” thất bại. Đó cũng là ý chính nội dung này muốn nói.
1. Đa số người dân không cảm thấy bất mãn vừa đủ để nổi dậy - Để một cuộc cách mạng xảy ra thì trước tiên dân chúng phải bị kích động và đàn áp đến mức không thể nào kìm chế được nữa. Nhưng thực tế là phần lớn người dân đang có công ăn việc làm và cuộc sống ổn định. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng chứ không hề giảm. Sau thời kỳ bao cấp thì người dân đang quá bận rộn kiếm tiền và hưởng thụ. Dù mức sống không cao so với các quốc gia khác nhưng không đến mức dẫn đến bạo động. Dù nghèo nhưng không chết đói. Cho nên chẳng có lý do gì để xuống đường đòi hỏi sự thay đổi.
2. Chính quyền làm truyền thông định hướng quá giỏi - Trên mạng xã hội thì số lượng người nói tiêu cực về nhà nước luôn tăng. Nhưng điều họ quên là song song cũng là số lượng ủng hộ chính quyền hiện tại và họ luôn đông và áp đảo hơn. Điều này dễ hiểu, khi phần lớn dân số là người trẻ lớn lên và bị tẩy não thì họ coi tất cả hiện tại là điều hiển nhiên. Những vụ cướp đất Thủ Thiêm, xung đột Biển Đông hay ai đó bị đàn áp trở nên nhỏ bé so với những Kenh14, Zing hay người nổi tiếng nào đó.
3. Thế giới không coi nhà cầm quyền là mối đe doạ - Để có được sự thay đổi thì ngoài sự bất mãn bên trong thì phải đi đôi với sự thống nhất của các chính quyền quốc tế bên ngoài. Khác với Liên Xô trước đây, phiên bản CNXH hiện tại của Việt Nam được coi là tư bản nửa mùa. Các nhà hoạch định chính sách Âu và Mỹ đều cho rằng không cần so sự cải cách về thể chế, chỉ cần có sự cải tiến chính sách. Việt Nam làm điều này cực tốt khi tiếp tục mở cửa giao thương với thế giới. Khác với Bắc Hàn, Việt Nam không hề có tham vọng trở thành nước vũ khí hạt nhân và đe doạ đến ai khác. Cho nên dù là Obama hay Trump khi đến đây cũng đều khen và gia tăng hợp tác, khác với kỳ vọng của nhiều người bất mãn. Khi không có quân lực hoặc sự ủng hộ tài chính quy mô lớn thì lật đổ là sự ảo tưởng.
4. Ngộ nhận giữa online và ngoài đời - Nếu tham gia mạng xã hội quá lâu và khoá mình trong các diễn đàn thì bạn sẽ lầm tưởng rằng tất cả những gì mình đọc và thấy đại diện cho bên ngoài. Nhưng dù vô cùng cay đắng thì phải thành thật thừa nhận rằng điều đó là hoang tưởng. Phần lớn chỉ là nội dung online và những bình luận. Khoảng cách giữa nó với hành động ngoài đời là vô cùng lớn. Họ rất hăng hái với bàn phím nhưng ở ngoài đời thì không làm gì vì biết rằng sẽ vô vọng. Đúng, sẽ luôn có những người hoạt động bên ngoài, nhưng là cực kỳ ít và hiếm. Phần đông chỉ lên án trên mạng và chỉ trích những nhà hoạt động như giải trí mua vui. Tác động đến nhà cầm quyền là gần không hoặc mong manh. Gọi là sống ảo thì chấp nhận được, chứ gọi là đấu tranh thì e rằng rất thiếu chính xác. Nếu muốn thí nghiệm thì có thể ra ngoài đời hỏi ngẫu nhiên vài người, “Bạn có muốn đi biểu tình không?” hay “Bạn muốn lật đổ chính quyền không?” rồi coi họ phản ứng ra sao.
5. Trốn chạy - Đây có lẽ là lý do chính vì là tư duy phổ thông của người Việt. Họ không muốn đối mặt với vấn đề từ đời sống cá nhân cho đến bên ngoài xã hội trừ khi không có lựa chọn nào khác. Người nghèo thì bận kiếm sống qua ngày, tầng lớp trung lưu thì chỉ muốn tập trung làm ăn, giới giàu có thì đang phát triển thì chẳng có lý do gì để đánh đổi cả. Những ai có người thân ở các nước tiên tiến thì chỉ muốn được bảo lãnh để xuất ngoại. Các cô gái quê thì ôm mộng lấy chồng ngoại. Gia đình khá giả thì cho con cái du học để định cư. Điều này không có gì sai cả vì con người ai cũng muốn có cuộc sống tốt hơn. Nhưng để cho rằng đang có sự phẫn nộ và trào lưu chống đối thì hoàn toàn mơ mộng. Vì số người đối mặt và hành động quá ít, phần lớn chỉ muốn trốn chạy đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là công lao của những ai đấu tranh trong suốt thời gian qua là vô ích. Họ góp phần quan trọng trong sự cải cách chính sách điều hành của nhà nước. Nhờ vậy nên đất nước từng bước một mở cửa và đời sống người dân được cải thiện hơn. Đó cũng là sự tiến bộ rồi.
Dân tộc này có muốn dân chủ không? Có, nhưng họ không muốn đánh đổi. Cho nên muốn cũng như không. Họ muốn nhưng không cần. Cũng như món hàng tiêu dùng, có cũng được, không thì chẳng sao. Cho nên cơ chế này sẽ tồn tại lâu dài vì chẳng có lý do gì để sụp đổ cả.
Nếu bạn muốn thừa hưởng tự do dân chủ thì cách tốt nhất và có lẽ là duy nhất là xuất ngoại để thừa hưởng nền tảng của dân tộc và quốc gia khác. Nếu mãi ôm mộng chờ đợi chính quyền sẽ sụp đổ và đất nước này sẽ có dân chủ thì chẳng khác nào kẻ điên dại hoang tưởng. Những ai chửi vẫn chửi. Những ai ở ngoài nước chỉ trích chính quyền thì vẫn ở ngoài nước chỉ trích. Nhưng đó là online thôi chứ không phải ngoài đời. Việt Nam vẫn là Việt Nam. [24.6.2020]
Ku Búa
(FB Cafe Ku Búa)
Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Đăng nhận xét