Tin Tức Cập Nhật 24/7
Home » » Ngô Khôn Trí – Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)

Ngô Khôn Trí – Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)

Đăng bởi: Admin on Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020 | 11:39


Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ : Air Defense Identification Zone) là vùng bầu trời do một quốc gia TỰ ẤN ĐỊNH ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự của nước khác khi bay vào vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí, và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó.

Hình minh họa
Nguyên do là vì Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 đã quy định thống nhất rằng các quốc gia ven biễn có chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý (22,2 Km), quá ngắn kề từ khi máy bay lạ bay vào vùng lãnh hải cho đến lãnh thổ (chỉ cần một phút đối với máy bay dân sự chở khách và vài chục giây cho máy bay phản lực). Quá muộn và rất nguy hiểm để đối phó khi xác nhận địch đã xâm nhập không phận. Do đó, ADIZ thường cách xa vùng lãnh hải để có đủ thời gian đối ứng khi có máy bay lạ xâm nhập. ADIZ không phải là không phận của nước đó, được xem như khu vực an ninh quốc phòng nhằm giảm rủi ro của một cuộc tấn công bất ngờ.

Hiểu theo nghĩa thông thường thì một khi một máy bay của 1 quốc gia nào đó bay vào khu vực ADIZ của quốc gia mình, quốc gia đó phải gửi kế hoạch bay trước để tránh xung đột không mong muốn. Nếu như việc xâm lược trên không được xác định và các hướng dẫn không được tuân theo, không quân của nước bị xâm nhập sẽ bắn đuổi. Tuy nhiên, việc vận dụng có điểm mơ hồ bởi vì ADIZ được quy định trong không phận bên ngoài lãnh thổ, không nằm trong chủ quyền của quốc gia mình nên không có cơ sở pháp lý để sử dụng, không có luật quốc tế nào để quản trị vùng ADIZ .

Quốc gia đầu tiên lập ra ADIZ là Hoa Kỳ. Vào thập niên 1950, Hoa Kỳ công bố ADIZ đầu tiên vì lo ngại bị tấn công bất ngờ trong thời gian có Chiến tranh lạnh với Liên Xô. Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn còn duy trì năm vùng (Bờ Đông, Bờ Tây, Alaska, Hawaii, và Guam) và có hai vùng chung với Canada bao phủ phần lớn Bắc Mỹ châu. Các quốc gia khác như Anh, Na Uy, Nhật Bản, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Nam Hàn và Đài Loan cũng lập ADIZ cho mình .

Ngày 1/9/1983, một chuyến bay KAL1007 của Korean Airlines bay qua không phận của Liên Xô vào thời điểm Hoa Kỳ tiến hành các điệp vụ do thám. Liên Xô cho rằng chiếc phi cơ trên đang trong một nhiệm vụ gián điệp hoặc là khiêu khích gây chiến, nên đã ra lệnh bắn hạ. Toàn bộ 269 hành khách và phi hành đoàn bị giết, gồm Lawrence McDonald, nghị sĩ Nghị viện Hoa Kỳ. Sự kiện này là một trong những thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh giữa 2 nước.

Sau sự kiện khủng bố 11 tháng 9/2001, ở Mỹ tại các khu vực đô thị ở Baltimore, Maryland và Washington, D.C, chính phủ Mỹ đã thành lập một “khu vực nhận dạng phòng không đặc biệt” không phép bất cứ máy bay dân sự nào bay vào.

Tháng 6/2010 Nhật Bản lập ADIZ xung quanh đảo Yonaguni 22 km về phía tây của đảo này. Do có chồng lấn với ADIZ của Trung Hoa Dân quốc (ROC) nên chính phủ Đài Loan bày tỏ sự “đáng tiếc” về hành động này của Nhật Bản. Về bờ biển đất liền của TQ, ADIZ của Nhật cách điểm gần nhất là 130 km. TQ và Nga không công nhận vùng ADIZ này của Nhật Bản.

ADIZ của Nhật

Tháng 11/2013 TQ xác lập ADIZ ở bầu trời biển Hoa Đông bao trùm lên cả quần đảo Điếu Ngư nơi mà Nhật Bản gọi là đảo Senkaku , Nhật Bản và Nam Hàn không công nhận.


Những ngày gần đây, tin đồn xuất phát từ một bài báo của South China Morning Post đặt ở Hong Kong về một kế hoạch lập ADIZ của TQ bao trùm lên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang nổi lên. Đúng như dự đoán của Việt Nam và các nước trong khu vực, TQ đã mong muốn từ lâu và đợi thời điểm thuận lợi để tuyên bố.

Theo như định nghĩa ở trên, mỗi quốc gia tự tuyên bố ADIZ và vùng trời này không nằm trong không phận của quốc gia đó nên không có mang tính ràng buộc quốc tế. Chẳng qua đó là lời tuyên bố chính trị, một cam kết sẽ làm tới cùng nếu bị xâm phạm. Đó là cách hành xử của quốc gia có khả năng tự bảo vệ mình. Thông thường là nước lớn có khả năng quan sát thường xuyên trên bầu trời đó ?.

Ngẫm nghĩ ta thấy việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không của con người giống như việc con hổ hay con chó sói đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu, tiếng gầm hú để thể hiện sự hiện diện của chúng. Trong thế giới động vật, ở mỗi vùng lãnh thổ, mỗi đàn đều có một con đầu đàn chỉ huy các trận chiến tranh giành lãnh thổ với kẻ khác, cũng như chống lại các động vật khác định ăn trộm thức ăn của đàn, hay khi bị đe dọa bị ăn thịt.

Việc tuyên bố ADIZ tùy tiện giống như tập tính chiếm giữ và bảo vệ vùng lãnh thổ của động vật ?


Ngô Khôn Trí


(FB Ngô Khôn Trí)

Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Chia sẽ bài này :

Đăng nhận xét

 
Top ↑ Copyright © 2008. Tin Tức Hàng Ngày - All Rights Reserved
Back To Top ↑