Tuần qua đánh dấu một bước tiến mới của cuộc khủng hoảng chính trị Mỹ, là chuyện gần như thường trực không ngừng nghỉ từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống.
Đằng sau các cuộc biểu tình |
Tại sao bất thình lình lại có biểu tình tràn lan khắp nước? Đó là loại câu hỏi mà dân Mỹ gọi là ‘million-dollar question’, tức là loại câu hỏi ít ai có được câu trả lời chính xác.
Đâu là vấn đề?
Việc đầu tiên phải nói ngay là như trên đã viết, đây là một chương mới trong cuộc khủng hoảng chính trị thường trực từ ba năm nay của Mỹ. Khủng hoảng đó bắt đầu từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống trong sự bất ngờ và thất vọng sâu xa của đảng DC và cử tri của đảng này.
Cả đảng DC, cả hệ thống TTDC, và cả khối cấp tiến nói chung đã không thể chấp nhận được cái thua kinh hoàng này. Để rồi họ đã liên tục tìm cách thay đổi kết quả bầu cử đó bằng mọi cách, cho dù thất bại liên tục, mánh nào đưa ra cũng thảm bại.
Từ áp lực cử tri đoàn bỏ phiếu ngược lại ý của tiểu bang của họ, cho tới đòi đếm phiếu lại, rồi cả triệu người biểu tình ngay trong ngày tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức, tới những tấn tuồng cuội tố giác rồi điều tra thông đồng với Nga, tố giác rồi đàn hặc việc đổi chác với Ukraine. Đó là những trận đánh lớn. Trong khi cuộc chiến chống TT Trump kéo dài liên tục mỗi ngày không ngừng nghỉ qua hàng triệu trang báo tố cáo TT Trump đã mắc đủ thứ tật, như nói láo triền miên, vô đạo đức, dâm dục, bất nhất, bất tài, ngu dốt, vi phạm đủ thứ tội, đủ điều Hiến Pháp, rồi kỳ thị dân Mễ, kỳ thị da đen, thượng tôn da trắng, qua tới phản bội đồng minh, hèn yếu với kẻ thù,… Tội nhỏ thì xé ra cho thật lớn, không có tội thì chế ra tội. Nếu có một tự điển liệt kê các tội của nhân loại thì TT Trump sẽ hân hạnh được làm người duy nhất trong lịch sử nhân loại đã phạm tất cả mọi tội đó, không chừa tội nào.
Câu hỏi tại sao lại có sự thù ghét vô lý đến vậy đã được kẻ này trả lời lâu rồi.
Không phải là thù ghét vô lý đâu, mà có lý cớ rất chính đáng. Vì TT Trump là một đe dọa sinh tồn -existential threat- cho ý thức hệ cấp tiến mà đảng DC và TTDC đang tôn thờ, với bằng chứng hiển nhiên là cách ông đang xóa bỏ gia tài cấp tiến mà các TT Clinton và Obama đã dầy công xây dựng, cách ông thay đổi toàn diện hệ thống tư pháp là hệ thống bảo vệ ý thức hệ chính trị cho mấy chục năm tới. Để ông thần Trump ngồi trong Tòa Bạch Ốc tới đầu năm 2025 thì coi như đảng DC và tư tưởng cấp tiến Mỹ có nhiều triển vọng được lộng kiếng vĩnh viễn trong viện bảo tàng cùng với tất cả ba cái phải đạo chính trị lăng nhăng.
Đó chính là cốt lõi của vấn đề. Tất cả những mánh mung, những tố giác tội này tật nọ chỉ là những chiến thuật, vũ khí được mang ra sử dụng để bứng TT Trump thôi.
Với đảng DC và khối cấp tiến, đây là cuộc chiến chính đáng hoàn toàn có thể hiểu và chấp nhận được dù nhiều phương tiện sử dụng đã không chính đáng và không chính danh, vì họ cần phải bảo vệ ý thức hệ của họ. Nhưng đối với những người mà quyền lợi chẳng bị đụng chạm hay thiệt hại gì, cũng chẳng dính dáng gì đến ý thức hệ cấp tiến, trái lại, đã xách dép thục mạng chạy trốn chế độ xã nghĩa, mà vẫn nghiến răng sỉ vả TT Trump, thì thành thật xin lỗi chứ những người này chỉ là một đám mà Lê-Nin đã gọi là ‘useful idiots’ thôi, bị khối cấp tiến sử dụng, khích động và khai thác như những viên đạn đồng để bắn Trump không hơn không kém. Những cái thói hư tật xấu như nói láo, vô đạo đức,… của TT Trump được mang ra để chiêu dụ họ chống Trump, dễ hiểu hơn là bảo họ chống ‘chủ trương bảo thủ’ của Trump.
Trở lại câu chuyện biểu tình rầm rộ hiện nay, ai cũng nhìn thấy bàn tay của khối cấp tiến, đảng DC và TTDC đang khuấy động như trận chiến mới sau những thất bại trước đây.
Trước hết, phải hỏi biểu tình với mục đích gì? Chống cái gì?
Ở đây, kẻ này phải thành thật thú nhận đã thật bối rối không hiểu cả vạn người xuống đường biểu tình chống cái gì. Nhìn vào các khẩu hiệu được dân biểu tình dơ lên thì lúc thấy họ chống cảnh sát bạo hành, lúc chống kỳ thị màu da, lúc chống cả hai, rồi có lúc chống TT Trump.
Ø Nếu là biểu tình để chống cảnh sát quá hung hãn, bạo tay,… thì hình như hơi quá sớm khi chưa có kết quả hai cuộc điều tra của tiểu bang và liên bang. Dù sao thì câu hỏi là trách nhiệm huấn luyện hay điều hành cảnh sát ở đâu? Ở Tòa Bạch Ốc hay ở cấp tiểu bang và địa phương?
Hiến Pháp Mỹ rất rõ ràng: nước Mỹ là một kết hợp của 50 tiểu bang, mỗi tiểu bang đều như là một quốc gia riêng biệt, gần như toàn quyền trong các chính sách nội bộ như hành chánh, giáo dục,… Tất cả đều có Hiến Pháp và nhiều luật riêng của tiểu bang. Quan trọng nhất là mỗi tiểu bang đều có trách nhiệm riêng trên vấn đề an ninh trật tự, tức là điều hành cảnh sát. Chính quyền liên bang không có tới một cảnh sát viên nào hết.
Nghĩa là nếu có cảnh sát viên phạm pháp, hay mạnh tay, hay tra tấn, hay giết chết bất cứ một người nào, thì đó là trách nhiệm, là lỗi của các chính quyền địa phương, của tỉnh, của quận, của thành phố và của tiểu bang. Chính địa phương phải là cơ quan lấy biện pháp để trừng phạt hay sửa đổi.
Không liên quan gì tới chính quyền liên bang hết, đặc biệt là chẳng liên quan gi đến ông tổng thống hết khi ông này chẳng có quyền huấn luyện, bổ nhiệm, ra lệnh, trừng phạt hay thăng thưởng bất cứ một cảnh sát viên nào hết. Mà ông tổng thống này cũng chẳng là ông xếp có bất cứ quyền hành gì trên các ông cảnh sát trưởng, thị trưởng, hay thống đốc nào hết. Nước Mỹ không có bộ Nội Vụ hiểu theo nghĩa bình thường của nhiều nước trên thế giới là bộ lo an ninh trật tự (bộ Nội Vụ của Mỹ chỉ lo quản trị công viên, rừng núi, sông ngòi, hầm mỏ,…), cũng không có tư lệnh cảnh sát quốc gia do tổng thống bổ nhiệm. FBI chỉ là cơ quan điều tra và truy tố tội phạm liên bang chứ không có một cảnh sát viên nào trực thuộc FBI hết.
Cảnh sát Minneapolis của tiểu bang Minnesota giết dân thì đi biểu tình chống thị trưởng thành phố đó và thống đốc tiểu bang đó, sao lại biểu tình trước Tòa Bạch Ốc chống TT Trump? Sao lại biểu tình ở Los Angeles để chống TT Trump? Mà đằng nào thì dân Los cũng đâu có bầu cho ông Trump đâu, biểu tình chống ông ta ở Los để làm gì?
Cái hình ảnh giả dối thô bạo nhất là hình ảnh các thống đốc, thị trưởng,.. xuống đường sát cánh với dân biểu tình chống cảnh sát, đọc diễn văn hùng hổ công kích TT Trump. Họ chỉ là biểu diễn trò ảo thuật đổ trách nhiệm của chính mình lên đầu TT Trump để chạy tội. Cái ngu xuẩn của đám quần chúng chung quanh là tưởng thật rồi vỗ tay rối rít.
Cái trò mỵ dân thô bỉ hơn nữa là những nỗ lực mô tả tất cả các cảnh sát như dã thú tàn ác nhất vũ trụ, trong khi ai cũng hiểu xã hội sẽ không thể tồn tại một ngày nếu không có cảnh sát, và 99,9% cảnh sát viên là những người hùng, ngày nào cũng mang tính mạng mình ra làm mộc bảo vệ an toàn cho tất cả chúng ta.
Ø Nếu là biểu tình để chống nạn kỳ thị màu da thì đó là việc làm có thể chính đáng và chính danh, thậm chí còn cần thiết nữa. Vì ít ai có thể chối cãi nước Mỹ vẫn còn nạn kỳ thị màu da khá nặng.
Dù vậy, ở đây, cũng không thể quên vài chuyện thực tế.
Dĩ nhiên, khối da đen là khối đông đảo nhất và cũng có thể bị kỳ thị nặng nhất và họ cần phải được đối xử khá hơn, nhất là sinh mạng họ cũng cần phải được tôn trọng hơn, như cái khẩu hiệu Black Lives Matter của họ đã nhấn mạnh.
Không sai, nhưng khi mà những người hô All Lives Matter hay Cop Lives Matter bị liệt ngay vào hạng kỳ thị, bị đánh chí tử thì câu chuyện trở nên vô lý, nếu không muốn nói là đã trở thành … kỳ thị ngược.
Chuyện kỳ thị ngược thật ra là hiện tượng rất thật ở Mỹ chứ không phải chỉ là xảo ngữ.
Khi các trường học ra quy chế nhận sinh viên theo tỷ lệ màu da thay vì theo điểm thi khảo sát nhập học, khi các công sở nhận nhân viên theo tỷ lệ sắc tộc, khi các ngân hàng cho các cơ sở kinh doanh vay tiền theo tỷ lệ màu da của doanh gia, thậm chí khi số diễn viên đóng phim cũng phải tính theo tỷ lệ màu da, khi thành viên một hội đồng quản trị của một tổ chức nào đó cũng phải tôn trọng một tỷ lệ màu da nào đó, khi một tổng thống được bầu nhờ màu da của ông ta,… thì tức là yếu tố mầu da đã trở thành yếu tố then chốt quan trọng nhất. Tức là kỳ thị đã được chính thức nhìn nhận. Mà nếu kỳ thị để ưu đãi dân da đen thì đó chính là kỳ thị ngược, không hơn không kém.
Khi trường Đại Học Harvard giới hạn số sinh viên gốc Á để dành chỗ cho sinh viên gốc Phi thì đó là gì nếu không phải là kỳ thị ngược? Và dân tỵ nạn Việt thay vì biểu tình bênh vực dân da đen, có nên biểu tình phản đối Harvard không?
Một anh tỵ nạn ra vẻ có hiểu biết, đưa thống kê cho thấy Mỹ có 32 đội football mà chỉ có 2 ông chủ da đen như bằng chứng kỳ thị. Ủa, sao lại gọi đó là kỳ thị? Có ai cấm ông bà đen nào làm chủ đội football đâu? Mà anh tỵ nạn này gian trá không nhắc đến việc 80% các cầu thủ football -hay bóng rổ- ở Mỹ là da đen, nhiều anh lãnh lương mấy chục triệu một năm. Tại sao lại chỉ có 20% da trắng? Kỳ thị da trắng sao? Tại sao lại không có anh da vàng nào chơi football hay basketball hết? Kỳ thị da vàng sao? Rõ là ngớ.
Dân da đen thường hay khiếu nại vì kỳ thị mà họ khó ngóc đầu lên được. Câu hỏi mà dân tỵ nạn ta có thể đặt ra là tất cả các thống kê cho thấy dân Mỹ gốc Á có thể nói thành công nhất, hơn cả dân Mỹ trắng xa, học giỏi nhất, có số người theo học đại học nhiều nhất, các tiểu thương Việt phát triển nhanh nhất, có mức lợi tức tăng nhanh nhất,… Nhìn vào thành tích của các học sinh gốc tỵ nạn Việt, không thiếu gì valedictorian,… Nhìn vào sự sầm uất của các khu Bolsa, Bellaire, Eden thì biết. Cộng đồng tỵ nạn cũng đóng góp không biết bao nhiêu nhân tài vào xã hội Mỹ, các khoa học gia, tướng lãnh,… Nếu có kỳ thị, thì sao họ ngóc đầu lên được?
Ø Nếu các cuộc biểu tình là để chống TT Trump vì ông này đã khai sanh ra hay trầm trọng hóa chính sách kỳ thị chống dân da đen hiện nay, thì hiển nhiên đây là chuyện cần phải chứng minh chứ không thì chỉ là tố cáo phe đảng vu vơ.
Nhìn vào thực tế lịch sử, kỳ thị màu da đã là vấn nạn của nước Mỹ từ ngày anh nô lệ da đen đầu tiên từ Phi Châu đặt chân đến nước Mỹ cách đây mấy trăm năm rồi, chứ không phải mới có từ ngày ông Trump tuyên thệ làm tổng thống. Đồng hóa kỳ thị da đen với ông Trump là việc làm không lương thiện.
Trong khi đó, TT Trump là người đã tạo công ăn việc làm nhiều nhất cho khối dân da đen. Chưa khi nào tỷ lệ thất nghiệp của khối dân này lại xuống thấp như mức đang thấy dưới chính sách kinh tế của TT Trump.
Nếu cho rằng chuyện kỳ thị không thể được định nghĩa bằng số người có việc làm hay thất nghiệp, thì kẻ này xin thách thức các cụ tỵ nạn cuồng chống Trump chuyên nhai đi nhai lại lập luận Trump kỳ thị hãy đưa ra một bằng chứng cụ thể nào xác nhận là TT Trump đã kỳ thị dân da đen. Xin nhắc lại, một bằng chứng cụ thể như một câu tuyên bố miệt thị dân da đen, hay một hành động, một quyết định, một sắc luật nào kỳ thị dân da đen.
Thật ra, chiêu bài Trump kỳ thị da đen chỉ là khẩu hiệu mà các chiến lược gia DC nghiên cứu thấy có vẻ nhạy cảm và ăn khách nhất, dễ kích động tâm lý quần chúng nhất, nên đã được khai thác tối đa để hạ TT Trump sau khi các chiêu võ khác đều đã thất bại.
LỜI KẾT
Nói tóm lại, các cuộc biểu tình hiện đang thấy cũng có lý do rất chính đáng là may ra có thể giảm bớt tính mạnh tay của cảnh sát cũng như khiến nạn kỳ thị màu da giảm bớt đi.
Về cách hành xử của cảnh sát, muốn thay đổi là chuyện không có gì khó khăn, chỉ cần quốc hội ngồi lại với nhau, ra luật mới, bít lại những kẽ hở hay kiểm soát thủ tục hành xử của cảnh sát, hay huấn luyên cảnh sát kỹ hơn là xong. Nhưng bảo quốc hội ngồi lại với nhau trong tình trạng phân hóa chính trị hiện nay thì là chuyện gần như vô vọng. Phe DC tại Hạ Viện đang thảo dự luật cột tay cảnh sát, trong khi phe CH tại Thượng Viện cũng đang thảo dự luật cột chân cảnh sát. Bên nào cũng hùng hổ biểu diễn, nhưng đi đến đâu là câu hỏi ít ai biết câu trả lời. A million-dollar question!
Cảnh sát nhẹ tay bớt thì cũng tốt, nhưng thay đổi hẳn, theo kiểu cảnh sát phải ngả mũ chào ”Kính thưa ông ăn cướp, xin ông vui lòng đưa tay cho tôi còng vì ông mới ăn cướp. Xin đa tạ ông” thì chỉ là chuyện khùng điên. Cái nghề chuyên môn của cảnh sát là đánh nhau với những phần tử hầu hết là hung bạo nhất, nên không thể đòi hỏi cảnh sát phải hiền lành, lịch sự được. Không phải là ngẫu nhiên mà cảnh sát phải có súng, có còng, có võ. Nhưng cũng có nhiều việc có thể làm được, như cảnh sát của Minneapolis đã được lệnh cấm không được chặn cổ họng nghi can, bất kể bằng chân hay bằng tay. Như vậy có thể giảm rủi ro nghi phạm bị chặn họng tới chết.
Việc Hội Đồng Thành Phố Minneapolis ra quyết định hủy bỏ cảnh sát, thay thế bằng những những ‘nhân viên thiện nguyện công đồng’ thì thật ra chưa rõ sẽ đi đến đâu, có hợp pháp hay hợp hiến không, và có thể thành sự thật hay không vì cho đến nay, thị trưởng Minneapolis đã tuyên bố ông sẽ không chấp hành quyết định này. Riêng kẻ này, thì xin hoan nghênh quyết định đó. Phim bộ Hồng Kông có câu “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”, cứ giải tán hết cảnh sát một năm thử xem chuyện gì sẽ xẩy ra, cho biết.
Hai ông thị trưởng New York và Los Angeles vừa ra quyết định cắt giảm ngân sách của cảnh sát thành phố đã bị phản đối mạnh ngay lập tức. Ta chờ xem quyết định của họ có thực hiện được không và hậu quả sẽ ra sao.
Dù sao, cũng là những quyết định sai lầm tuyệt đối, ra đời trong cơn xúc động mỵ dân thiếu suy nghĩ và vô trách nhiệm nhất. Trong lịch sử nhân loại từ mấy ngàn năm qua, không có xã hội nào có thể tồn tại mà không có luật lệ và những người bảo đảm việc các luật lệ được tôn trọng. Không cần nghĩ xa hơn, cứ tưởng tượng lái xe trên đường phố mà không có luật lưu thông và không có cảnh sát lưu thông xem chuyện gì sẽ xẩy ra.
Thật tình mà nói, không có cảnh sát thì chỉ có đám dân trung lưu, tiểu thương chết, vì dân cùng đinh thì không có gì để bị cướp trong khi dân giàu sẽ dư tiền thuê bảo vệ tư lo an ninh cho họ. Nhất là khối trung lưu, tiểu thương da đen và da nâu trong những khu bất an nhất nước.
Tin mới nhất, chính cụ Biden đã lên tiếng bác bỏ việc cắt giảm ngân sách hay hủy bỏ cảnh sát. Lâu lâu cụ Biden cũng tỉnh táo, không nói nhảm hay nói nhầm. Cả tổ chức NAACP, là tổ chức tranh đấu bảo vệ quyền lợi của dân da màu, cũng đã lên tiếng chống việc cắt giảm ngân sách cảnh sát. Họ ý thức được vai trò cực kỳ quan trọng của cảnh sát trong những khu bất an dân da đen đang sống.
Chuyện giảm kỳ thị da đen, nói dễ làm khó vì thực tế chẳng ai biết có thể có biện pháp gì khác nữa để thực hiện.
Cả hai vấn đề trên đều là vấn nạn lớn của xã hội Mỹ. Những vấn nạn không phải là con đẻ của TT Trump, không có gì mới mẻ mà đã có từ ngày lập quốc. Trong quá trình hơn 250 năm lịch sử Mỹ, rất nhiều biện pháp đã được lấy để cải đổi và nước Mỹ đã có được những tiến bộ rất lớn. Nhưng vẫn chưa đi đến tình trạng hoàn hảo.
‘Hoàn hảo’ chỉ có trong mơ mộng hão huyền vì trên cõi đời ô trọc này, không bao giờ có thể có được bất cứ cái gì ‘hoàn hảo’ hết, và những sửa đổi cải cách ngàn năm nữa cũng vẫn còn cần thiết. Nhưng nếu cuộc khủng hoảng hiện nay tạo cơ hội để người Mỹ trực diện hai vấn nạn lớn của xứ này và tìm cách cải đổi, mỗi ngày một bước, như TT Bush con mới nhận định rất đúng, thì đó là cơ hội không thể bỏ qua.
Tóm lại thì những biến động hiện nay có lợi cho bên nào, DC hay CH, cho cụ Biden hay TT Trump?
Kẻ này xin trích dẫn một đoạn của một bài của CNN: những kẻ cực đoan trong phe cấp tiến đã đẩy đảng DC vào góc tường, bắt buộc họ phải ôm lấy những thay đổi toàn diện cực đoan nhất, chẳng hạn như cắt ngân sách cảnh sát, là một biện pháp mà đại đa số dân Mỹ chống và TT Trump nghe rất mát tai vì bảo đảm sẽ giúp ông rất nhiều trong cuộc bầu cử tới khi cử tri muốn nói lên nhu cầu bảo vệ an toàn cho họ.
Vũ Linh
(Báo Quốc Dân)
Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Đăng nhận xét