Tin Tức Cập Nhật 24/7

Tin Mới Nhất

HOT VIDEO CHANNEL - TV Bài nói về Biển Đông & TQ cực hay của Trung tương Phạm Văn Dỹ - Chính Ủy QK 7

Trung Quốc thực sự đã sở hữu bao nhiêu ở nước Mỹ?



Đại dịch Covid-19 đã phần nào làm sáng tỏ sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào Hoa Kỳ, hiện đang thống trị nhiều lĩnh vực như thuốc, thực phẩm, truyền thông, giáo dục… của Mỹ.


Trung Quốc thực sự đã sở hữu bao nhiêu ở nước Mỹ?




Viện An ninh Hoa Kỳ gần đây đã công bố một báo cáo và đưa ra một chiến dịch, bao gồm một bảng quảng cáo ở Quảng trường Thời đại, để thu hút sự chú ý hơn nữa vào các đầu tư ở Mỹ của chính phủ Trung Quốc. Nhưng chính xác, chính phủ độc tài này đã sở hữu bao nhiêu ở Mỹ?

Thuốc

Trung Quốc sản xuất 97 phần trăm kháng sinh cho Hoa Kỳ, khoảng 80 phần trăm hoạt chất dược phẩm được sử dụng trong các loại thuốc của Mỹ đều đến từ Trung Quốc. Điều này trao cho chính quyền Trung Quốc quyền kiểm soát tuyệt đối các loại thuốc quan trọng. Ví dụ, các công ty dược phẩm Trung Quốc cung cấp 70% paracetamol trên thế giới, hoạt chất thường được sử dụng trong thuốc Tylenol, thuốc để giảm đau, viêm, hạ sốt.

Thực phẩm

Năm 2017, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 4,6 tỷ USD hàng nông sản từ Trung Quốc. Công ty Smithfield Foods, nhà sản xuất và chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới, là một doanh nghiệp Mỹ, nhưng đã bị mua lại bởi một công ty Trung Quốc có tên là WH Group vào năm 2013. Đây được coi là thương vụ thâu tóm lớn nhất của một công ty Trung Quốc đối với một doanh nghiệp Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Thương vụ này đã khiến WH Group – khi đó gọi là Shuanghui International – trở thành nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới.

Theo tờ The Epoch Times, chủ sở hữu của WH Group, ông Vạn Long, là thành viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Giáo dục

Hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của chính phủ Trung Quốc đã là một bí mật trong nhiều thập niên. Gần đây, chính quyền Hoa Kỳ đã phát hiện ra Trung Quốc đang tài trợ cho các nhà nghiên cứu ở các trường đại học của Mỹ. Nhưng những người này luôn che giấu các khoản tài trợ đến từ Trung Quốc.

Công nghệ

Việc sản xuất điện thoại thông minh và các mặt hàng gia dụng khác ở Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, nơi kiểm soát hầu hết các khoáng chất đất hiếm để sản xuất các mặt hàng này. Ngoài ra, Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng mạng 5G ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Mạng 5G của Trung Quốc được cho là đem lại rủi ro rất lớn cho những nước sử dụng nó, với nghi ngờ rằng mạng 5G này có thể cung cấp thông tin cá nhân và dữ liệu nhạy cảm cho chính quyền Trung Quốc.

Truyền thông

Vào tháng 5/2012, tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt của Trung Quốc đã mua lại chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất nước Mỹ AMC với giá 2,6 tỷ USD. Tiếp theo, vào năm 2016, tập đoàn này đã mua lại hãng phim Legendary và rạp chiếu phim Carmike.

Tỷ phú Vương Kiện Lâm, người sáng lập Đại Liên Vạn Đạt, là thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là đại biểu Đại hội Nhân dân toàn quốc Trung Quốc. Theo tờ USA Today, Đại Liên Vạn Đạt đã nhận được ít nhất 1,1 tỷ USD tiền trợ cấp của chính phủ Trung Quốc. Đại Liên Vạn Đạt cũng bán cổ phần công ty cho nhiều thành viên gia đình của các quan chức Trung Quốc, như chị gái của Chủ tịch Tập Cận Bình và người thân của hai thành viên trong Bộ Chính trị.

Việc kiểm soát truyền thông ở Mỹ của Trung Quốc cho phép Bắc Kinh gia tăng “sức mạnh mềm” của họ và ngăn chặn các mô tả chân thực về chính phủ Trung Quốc trên truyền thông. Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ tăng cường “sức mạnh mềm” của Trung Quốc và nước này hiện chi khoảng 10 tỷ USD hàng năm cho tuyên truyền ở nước ngoài.

“Chủ sở hữu là Các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang kiểm soát đa số trong gần 2.400 công ty Hoa Kỳ”, Viện An ninh Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo.

“Dưới sự độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các công ty tư nhân buộc phải bẻ cong theo ý muốn của chính quyền nước này”, báo cáo nêu rõ.

“Một đạo luật được thông qua gần đây tại Trung Quốc yêu cầu các công ty phải chia sẻ dữ liệu với các cơ quan gián điệp của Trung Quốc nếu được yêu cầu. Dưới thời ông Tập Cận Bình, chính quyền Trung Quốc đã trở thành cơ quan có quyền lực tối cao trong kinh doanh”, tờ The Guardian viết.

Tuy nhiên, trong khi Hoa Kỳ cấp phép cho Trung Quốc mua các công ty ở Mỹ, Trung Quốc lại không cho phép các công ty Hoa Kỳ hoạt động theo cách tương tự trong đất nước của họ.

https://www.dkn.tv/

Cao Văn Thức - Phan Châu Trinh : từ ý thức hệ Phong Kiến đến Dân Chủ Tư Sản


Phan Châu Trinh (1872-1926), là một nhà yêu nước, chủ xướng phong trào Duy Tân ở miền Trung từ năm 1905 đến 1908. Chủ trương Duy Tân của ông là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” với mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh, tiến tới giành độc lập dân tộc. Từ một thiếu niên từng theo cha trong phong trào Cần Vương ở cuối thế kỷ XIX (1885-1887), rồi trở thành nhân vật lãnh đạo của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX (1905-1908) là một quá trình chuyển biến tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh.


Cao Văn Thức - Phan Châu Trinh : từ ý thức hệ Phong Kiến đến Dân Chủ Tư Sản


Từ 1885 đến 1902: Thời kỳ bế tắc tư tưởng

Phan Châu Trinh, tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ở làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ (ngày nay là thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).

Năm 1885, đất nước xảy ra biến động lớn. Sau cuộc phản công của quân đội triều đình ở kinh đô Huế do nhóm quan lại chủ chiến, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, chỉ huy bị thất bại vào đêm mùng 5-7-1885 (23-5 âm lịch); vua Hàm Nghi đã xuất bôn ra Tân Sở (Quảng Trị) và ban bố dụ Cần Vương, kêu gọi nhân dân các nơi nổi dậy chống Pháp. Ở Quảng Nam, tổ chức Cần Vương được thành lập, thường gọi là Nghĩa hội do Trần Văn Dư và sau đó là Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo.

Cha của Phan Châu Trinh là ông Phan Văn Bình, một võ quan cấp thấp, tham gia phong trào Cần Vương, giữ chức Chuyển vận sứ, phụ trách việc vận chuyển lương thực cho căn cứ nghĩa quân ở miền thượng nguồn huyện Tiên Phước, giáp giới huyện Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam ngày nay. Vì quân Pháp càn quét, khủng bố làng quê, nên gia đình Phan Châu Trinh phải tản cư lên chiến khu ở với người cha. Ở chiến khu hơn hai năm, ông được người cha cho tập luyện võ nghệ, cung kiếm …nhằm mục đích trở thành một chiến sĩ Cần Vương thực thụ.

Năm 1887, xảy ra việc ông Phan Văn Bình bị sát hại, gia đình Phan Châu Trinh đành phải trở về quê nhà. Thời gian này, Nghĩa hội Quảng Nam cũng tan vỡ trước sức tấn công dữ dội của quân đội Pháp và Nam triều, chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu phải ra hàng để cứu đồng đội và bị hành quyết ở Huế.

Trong thời gian từ 1885 đến 1902, tư tưởng của Phan Châu Trinh đã trải những khúc quanh bế tắc cùng với những bước thăng trầm của lịch sử.

Từ năm 1885-1887. Trong thời gian này, Phan ở với người cha tại chiến khu Dương Yên (Bắc Trà My), được rèn luyện võ nghệ, cung kiếm… để chuẩn bị trở thành một chiến sĩ Cần Vương thực thụ, trực tiếp tham gia chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Đây là thời kỳ hăm hở của một cậu thiếu niên sớm hiểu biết, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, nhưng tư tưởng cũng chỉ bó gọn trong ý thức hệ phong kiến với quan niệm cũ kỹ “trung quân, ái quốc” như hầu hết nho sĩ đương thời.

Từ 1887 – 1902. Sau khi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam thất bại, Phan Châu Trinh từ chiến khu trở về quê, đi học cho đến khi thi cử đỗ đạt (1887-1901), thời gian gần 15 năm. Trong khoảng thời gian, đó Phan Châu Trinh sống trong tâm trạng bế tắc và bi phẫn. Phong trào Cần Vương thất bại, những người tham gia thì kẻ bị giết, bị tù đày hoặc sống trốn tránh, hay ra đầu thú chính quyền thực dân. Những nhà nho có tấm lòng ưu thời mẫn thế đối với đất nước đều phải sống ẩn dật với tâm trạng “thời vận tốt đã qua”.

Trải qua thực tiễn, Phan Châu Trinh nhận thấy phong trào Cần Vương đã hoàn toàn thất bại, vì đấu tranh vũ trang với vũ khí thô sơ thì không thể thắng được với vũ khí hiện đại của kẻ thù; nhưng bản thân ông cũng chưa tìm ra phương pháp, chưa biết hướng đi nào để cứu nước hiệu quả, đành phải ôm tấm lòng “cô trung” sống ẩn nhẫn chờ thời. Huỳnh Thúc Kháng nhận xét về Phan ở giai đoạn này: “Tiên sinh… ở trong nhà quê, chung quanh rành những xã hội hủ bại, bình sinh được thấy chỉ toàn một lớp tuồng đảng Cần Vương mà thôi. Nghe thấy đã hẹp hòi, lịch duyệt cũng chưa rộng, nhiều khi cảm xúc mà không bởi đâu mà mở mang ra, cho việc đời là không làm gì được (Thời sự vô khả vi) trong lòng uất ức thường làm ra thi văn để tỏ ý mình”(1).

Có thể nói sau khi phong trào Cần Vương thất bại, tuy bế tắc về đường lối cứu nước, nhưng tư tưởng của Phan Châu Trinh cũng vẫn còn mang nặng ý thức hệ phong kiến, tôn thờ quân chủ như hầu hết các nho sĩ được nhào nặn nơi “cửa Khổng, sân Trình” lúc bấy giờ.

Từ 1903 – 1905: Thời kỳ tiếp nhận, thay đổi tư tưởng

Sau khi thi đỗ Phó bảng, năm 1903 ông được bổ nhiệm Thừa biện bộ Lễ tại kinh đô Huế. Việc ra sống ở kinh đô có thể nói là một bước ngoặt quan trọng trong sự thay đổi tư tưởng, đường lối cứu nước của Phan Châu Trinh.

Huế lúc bấy giờ là trung tâm chính trị, văn hoá của cả nước. Ở đây tập trung nhiều trí thức nho học, học giả tiếng tăm đương thời và có nhiều Tân Thư (sách mới) được du nhập từ nước ngoài vào. Nhưng đồng thời ở đây cũng là nơi diễn ra tất cả mọi thứ xấu xa của chế độ phong kiến bù nhìn, dưới sự thống trị của thực dân Pháp.

Buổi đầu khi mới ra kinh đô làm việc, vẫn còn mang nặng ý thức hệ phong kiến của một trí thức Nho học, nên có lẽ Phan còn chút hy vọng vào triều đình nhà Nguyễn trong việc chấn hưng đất nước. Nhưng trong hai năm tập sự tại Huế, Phan đã tận mắt chứng kiến sự hủ bại của triều đình. Vua chỉ là bù nhìn, quan lại thì ươn hèn, chỉ lo luồn cúi kiếm chức tước lợi danh, thi nhau đè nén, đục khoét dân lành. Vì vậy, sau một thời gian ở kinh đô, Phan đã hoàn toàn chấm dứt mọi hy vọng cải cách ở cái triều đình hủ bại, bù nhìn này: “Thấy được rõ ràng, biết hẳn rằng công việc cải cách to lớn, không trông mong vào một bọn danh lợi cùng lão hủ đó được. Những điều chiêm bao lăng miếu triều đình ngày xưa không còn giây dính trong óc chút nào…”. (2)

Trong thời gian ở Huế, Phan Châu Trinh được một số trí thức tiến bộ như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ…cho mượn nhiều sách mới viết về chính trị, lịch sử của phương Tây được dịch ra chữ Hán như: Trung đông chiến kỷ, Phổ – Pháp chiến kỷ, Doanh hoàn chí lược, Âu Châu thập nhất quốc du ký, Vạn quốc sử cương mục… hoặc các sách do các học giả Trung Quốc, Nhật Bản biên soạn như: Mậu Tuất chính biến, Trung Quốc hồn, Ẩm băng thất, Nhật Bản tam thập niên duy tân sử… ngoài ra sách của các nhà triết học, tư tưởng tiến bộ của Pháp ở thế kỷ XVIII như Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, Montesquieu … cũng được dịch sang Hán văn như: Vạn pháp tinh lý, Dân ước luận….

Tân thư đã làm cho Phan Châu Trinh hoàn toàn thay đổi về tư tưởng, từ một trí thức Nho học với ý thức hệ phong kiến, ông đã chuyển hẳn sang ý thức hệ dân chủ tư sản. Sự thay đổi có thể nói là một cuộc cách mạng về ý thức hệ: Từ tư tưởng quân chủ sang tư tưởng dân chủ. Đọc và tâm đắc với học thuyết mới ở Tân thư, Phan Châu Trinh hầu như dứt khoát đoạn tuyệt với ý thức hệ cũ trước đây, như lời Huỳnh Thúc Kháng đã thuật lại: “Tiên sinh được học thuyết đó như một trận gió mát thấu vào trong óc, thổi sạch cả những đám mây mù che đậy thuở nay…”(3).

Trong nhiều sách mới mà Phan Châu Trinh đã đọc, hai tác phẩm đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chuyển đổi tư tưởng của ông là Dân ước luận (còn gọi là Khế ước xã hội) của Jean-Jacques Rousseau và Vạn pháp tinh lý (còn gọi là Tinh thần pháp luật) của Montesquieu. Nội dung Dân ước luận đề cập đến vấn đề bình đẳng xã hội, và muốn xã hội bình đẳng thì người dân phải đóng vai trò quản lý xã hội thông qua bầu cử, xoá bỏ vai trò độc tôn quyền lực của vua chúa; còn Vạn pháp tinh lý thì đề cập đến việc phân chia quyền lực thành 3 bộ phận độc lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) trong bộ máy nhà nước để tránh nạn độc tài, chuyên chế. Có thể nói hai tác phẩm quan trọng của hai nhà triết học, tư tưởng trong trào lưu triết học “Khai Sáng” ở Pháp vào thế kỷ XVIII, đã làm thay đổi hoàn toàn não trạng của Phan Châu Trinh: Từ một nhà Nho với tư tưởng tôn thờ quân chủ, ông đã hoàn toàn “lột xác” để trở thành một con người mới với tư tưởng tôn thờ dân chủ.

Tư tưởng dân chủ đã giúp ông nhìn nhận chính xác thực trạng của đất nước, tìm ra con đường cứu nước phù hợp với giai đoạn lịch sử những năm đầu thế kỷ XX, đó là con đường vận động duy tân, tự lực tự cường, làm cho dân giàu nước mạnh để tiến tới mưu cầu độc lập. Duy tân có nghĩa là đổi mới. Đổi mới ở đây là đổi mới ý thức hệ tư tưởng từ quân chủ sang dân chủ, cho nên có thể nói cuộc duy tân đầu thế kỷ XX là một cuộc cách mạng về ý thức hệ. Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh và các đồng chí khởi xướng dựa trên nền tảng, chủ thuyết dân chủ (ngày trước các sĩ phu tiến bộ thường gọi là dân quyền), đối tượng đóng vai trò chính của công cuộc duy tân là nhân dân (dân chủ), chứ không phải là vua (quân chủ) . Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người dân được đóng vai trò chủ nhân ông của đất nước. Và Phan Châu Trinh là chiến sĩ cách mạng dân chủ tiên phong ở nước ta, truyền bá tư tưởng dân chủ đến nhân dân, như người bạn đồng khoa là Nguyễn Sinh Huy đã từng khẳng định sau ngày Phan qua đời: “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức” (ông là là người nước Nam đầu tiên đề xướng dân quyền)(4).

Từ một thiếu niên theo cha tham gia phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, đến thủ lĩnh của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, là một quá trình chuyển biến về tư tưởng cứu nước của Phan Châu Trinh. Từ đấu tranh theo ý thức hệ phong kiến, ông đã chuyển sang đấu tranh theo ý thức hệ dân chủ tư sản. Bước chuyển biến về tư tưởng của ông đã phù hợp với yêu cầu của thời đại mới, và tư tưởng Duy Tân với phương châm ‘Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” ở đầu thế kỷ XX, vẫn còn giá trị cơ bản cho đến ngày nay.


https://nghiencuulichsu.com/

Tưởng Năng Tiến - Lữ Phương/ Nguyễn Trung Tôn/ Nguyễn Công Khế & Nguyễn Thị Bình



Bút Ký Những Chuyến Ra Đi của ông Lữ Phương (nguyên) Thứ Trưởng Thông Tin Văn Hoá, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam, có nhiều trang rất thú vị. Đọc lai rai vài đoạn cho vui, nếu rảnh:


Tưởng Năng Tiến - Lữ Phương/ Nguyễn Trung Tôn/ Nguyễn Công Khế & Nguyễn Thị Bình


Vào mùa khô năm ấy, tôi xin cơ quan cho tôi đến vùng biên giới Bố Bà Tây, liên hệ với gia đình. Lần này ngoài vợ và đứa con gái lớn, còn có em gái tôi cùng với hai đứa con gái nhỏ của nó đi theo, lúc nhúc một đoàn, không tưởng tượng nổi!

Nhờ chuyến thăm này tôi mới rõ được chuyện nhà từ lúc tôi ra đi. Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều biết vợ tôi có chồng là VC, bị cảnh sát Sài Gòn o ép, dụ dỗ nhiều cách, nhưng đều hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn): chẳng phải vì lý do gì khác hơn là ở đây người ta chưa có thói quen “chính trị hoá” mọi quan hệ xã hội.

Cái “chính quyền Sài Gòn” hồi đó, xem ra, khác xa (và khác hẳn) cái chính phủ Hà Nội bây giờ. Tuần qua – vào ngày 9 tháng 4 năm 2019 – FB Trang Nguyen vừa buồn bã, và ái ngại cho hay:


VỢ MỤC SƯ NGUYỄN TRUNG TÔN BỊ AN NINH THANH HÓA KHỦNG BỐ TINH THẦN

Không chỉ thường xuyên xua quân đi canh cửa, an ninh Thanh Hóa còn liên tục gửi giấy mời, giấy triệu tập như là một thủ trấn áp tinh thần bà Nguyễn Thị Lành - vợ của Mục sư, TNLT Nguyễn Trung Tôn.

Chồng bị bỏ tù, một mình bà Nguyễn Thị Lành phải vất vả gánh vác gia đình. Những ngày qua càng thêm vất vả bởi chăm mẹ chồng lớn tuổi mắc bệnh phải nhập viện, và con bị tật nguyền. Nhưng bà Lành vẫn liên tục bị an ninh tỉnh Thanh Hóa sách nhiễu, đe dọa…


Vợ chồng Nguyễn Trung Tôn chào đời không đúng chỗ, và cũng không đúng lúc (wrong time and wrong place) nên gặp phải lắm nỗi gian truân. Ông bà Lữ Phương sinh sống tại miền Nam (vào một thời điểm khác) nên cuộc sống của họ cũng hoàn toàn khác, êm thắm và khoẻ khoắn hơn nhiều.

Hồi đó bà Lữ Phương vẫn được mọi người, “ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn hết lòng giúp đỡ che chở.” Thỉnh thoảng, bà lại cùng cả đại gia đình “lúc nhúc một đoàn” kéo nhau vô bưng để thăm nom và chăm sóc cho đức phu quân – dù cuộc sống trong bưng biền không thiếu thốn hay nhọc nhằn chi cả:

Các nhân vật trong “Mặt trận 2” này đã được Đảng chăm sóc một cách đặc biệt: bất cứ việc gì, từ sinh hoạt ăn uống, chỗ ở, quần áo, tiền tiêu vặt mỗi tháng đều được cung cấp chu đáo bởi cả một khung cán bộ và nhân viên chuyên lo việc tiếp phẩm và phục vụ phối hợp với một đội bảo vệ được tuyển khá kỹ lưỡng về thành tích và lý lịch.

Chả riêng chi ăn uống, ăn nói cũng thế, cũng được Đảng bao biện tất:

Riêng đối với những bài viết, bài phát biểu mà các vị trong Liên Minh phải trình bày hoặc trên báo chí, đài phát thanh hoặc trong các Hội nghị này nọ thì đều do một số nồng cốt thực hiện, cuối cùng bao giờ cũng được Huỳnh Tấn Phát xem và sửa chữa lại.

Thiệt là quá đã và quá đáng! Nhà nghiên cứu Lữ Phương “dấn thân” vào đến tận chiến khu để làm cách mạng mà sinh hoạt cứ y như trong nhà giữ trẻ vậy. Ông chắc là đẻ bọc điều nên lúc nào cũng được cuộc đời chiều đãi.

Năm 2018, năm Nguyễn Trung Tôn bị tuyên án lần thứ hai (“12 năm tù và ba năm quản chế ”) thì Lữ Phương được trao giải Giải Văn Hóa Phan Châu Trinh, vì đã có “những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx.” Trong diễn từ nhận giải, ông phát biểu:

Như mọi người đều biết, học thuyết Marx đã được du nhập vào Việt Nam không phải trong một hoàn cảnh bình thường của một xã hội bình thường ở đó người ta có thể coi việc nghiên cứu Marx như một thao tác nghề nghiệp mang tính học thuật hàn lâm thuần tuý. Đất nước bấy giờ chìm đắm trong bóng tối của sự bất bình thường: nhà nước dân tộc bị tước mất chủ quyền, nhân dân sống trong nô lệ, trí thức thì bơ vơ, tuyệt vọng. Chủ nghĩa Marx đã đến với chúng ta (tnt tô đậm) trong tình thế đó, và mặc dù không có đủ điều kiện để tìm hiểu đến nới đến chốn, chúng ta đã tiếp nhận học thuyết ấy như biểu tượng của sự giải phóng chói loà ánh sáng: không phải chỉ mang đến cho dân tộc biện pháp xây dựng hiệu nghiệm cuộc sống mới mà còn giúp người trí thức lấp đầy được cái khát vọng ngàn đời của mình về sự tồn tại của một trần gian ở đó con người có thể hoà giải vĩnh viễn với nhau. Trong khung cảnh tinh thần đó, việc tìm đến Marx đối với chúng ta đã mang nội dung một cuộc dấn thân toàn diện và triệt để, bấy giờ thường được xưng tụng là “hiện thực và khoa học”, nhưng thực chất lại rất giống với một hình thức tín ngưỡng nào đó, đặt niềm tin tuyệt đối vào một đấng bậc phi phàm có thể dẫn đường một cách kỳ diệu cho các kế hoạch mà chúng ta vạch ra để cải tạo thế giới, làm lại con người.

Trong số “chúng ta” đã từng “tiếp nhận học thuyết chủ nghĩa Marx … như biểu tượng của sự giải phóng chói loà ánh sáng” theo diễn từ thượng dẫn (dường như) không có ông bà và cha mẹ của Nguyễn Trung Tôn – qua lời tự sự của chính tù nhân lương tâm này, trước khi bị giam giữ lần thứ hai:

“Tôi là một trong số hàng trăm triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam. Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây chưa thể nào vạch trần hết tội ác của chủ nghĩa rừng rú này; nhưng cũng sẽ góp một phần nhỏ để những ai còn ngây thơ mù quáng đi theo nó sớm nhận ra và từ bỏ còn đường tăm tối được thêu dệt nên bằng những dối trá và tội ác.

Tôi sinh năm 1971, năm nay bước vào tuổi 44. Tuy chỉ mới độ tuổi này nhưng tôi đã từng nghe bố tôi kể lại và cũng đã phải trực tiếp chứng kiến cảnh gia đình tôi suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản.”

Cùng với hằng chục triệu gia đình “suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản” tại Việt Nam, ảo tưởng và sự nhầm lẫn về chủ nghĩa Marx – nói nào ngay – cũng đã “vô tình” đem đến hào quang (cũng như danh lợi) cho không ít kẻ ở xứ sở này. Xin đan cử thêm một trường hợp nữa, rõ nét hơn nhiều: Nguyễn Thị Bình.


Bà nguyên là hó Chủ Tịch nước CHXHCN Việt Nam, từ 1992 đến 2002, và hiện là Chủ tịch Hội Đồng Quản Lý Qũi Văn Hóa Phan Chu Trinh. Danh lợi bà có đủ, kể cả huân chương (Huy Hiệu 70 Năm Tuổi Đảng) cùng những lời khen thưởng không thiếu trên mọi phương tiện truyền thông.

Mới đây – vào ngày 12 tháng 04 năm 2019 – khi góp ý về vụ nhà nước VN thất kiện trọng vụ án Trịnh Vĩnh Bình, nhà báo Nguyễn Công Khế đã không quên tán dương công đức của “bà chị” như sau: “Tôi vừa ra Hà Nội thăm chị Bình, chân chị yếu nhưng trí tuệ chị thật minh mẫn. Tấm lòng của chị với đất nước này chưa bao giờ nguôi phai. Chị lo cho đất nước này như chăm lo cho một gia đình yêu quí nhất của mình.”

Thiệt là qúi hoá!

Chỉ có điều hơi đáng tiếc là dường như trong cái “đất nước này” của Nguyễn Thị Bình không bao gồm hằng chục triệu gia đình (“bốn đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản”) như trường hợp của tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn, và cũng chả có phần nào biển đảo cùng lãnh thổ đã bị xâm chiến hay đang bị đe doạ cả. Thế nên dù dù trí tuệ “còn thật minh mẫn,” bà chị vẫn nhất định không hé môi nói lấy một lời – nửa lời cũng nỏ.

Riêng có cậu em Nguyễn Công Khế là vẫn cứ mồm năm mép mười – dù chả ai nhờ. Tuy chỉ thuộc thế hệ ăn theo cái “ảo tưởng và sự nhầm lẫn về chủ nghĩa Marx” nhưng cậu này cũng hoạn lộ hanh thông từ A tới Z. Nay đã may mắn hạ cánh an toàn song vẫn chưa chịu sống an thân, vẫn còn thích đóng vai kẻ sỹ – phù thế giáo một vài câu thanh nghị – và cố tình quên rằng chính mình đã góp phần (tích cực) trong việc tạo ra cái xã hội nhiễu nhương trước mắt.

  Tưởng Năng Tiến

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel - Paul Krugman khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Bloomberg, Paul Krugman không thấy khả năng đại khủng hoảng kéo dài nhiều năm tại Mỹ. Ông cho rằng đây sẽ chỉ là một cuộc khủng hoảng bình thường như bao cuộc khủng hoảng khác, không phải sự kết thúc cuối cùng.


Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel - Paul Krugman khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ


Trong một cuộc phỏng vấn, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel nói rằng sự phục hồi đại dịch có lẽ sẽ không giống như cuộc suy thoái kinh tế vừa qua (2007-2009).

Paul Krugman là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng và thú vị nhất thế giới. Mặc dù Krugman đã đạt được dấu ấn sự nghiệp trong giới học thuật, nơi mà đóng góp về thương mại và địa lý kinh tế của ông đã mang lại cho ông giải thưởng Nobel năm 2008, nhưng chính những bài bình luận thường kỳ của ông đã mang lại sự nổi tiếng rộng rãi hơn. Tay viết của Bloomberg Opinion, ông Noah Smith đã phỏng vấn Krugman trực tuyến về tình trạng của nền kinh tế Mỹ giữa cuộc khủng hoảng coronavirus. Dưới đây là tóm lược chia sẻ của Krugman về quan điểm của ông với cuộc khủng hoảng kinh tế lần này cũng như tầm nhìn của ông về tương lai kinh tế Mỹ.



Không mô hình kinh tế nào có thể giải thích được cho khủng hoảng kinh tế lần này - chính sách cắt giảm thuế sẽ không hiệu quả

Không giống với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó, đại dịch đi kèm với suy giảm kinh tế lần này chưa từng có tiền lệ. Sự biến động của dữ liệu vĩ mô không còn theo thông lệ thông thường. Liệu có mô hình kinh tế nào giải thích được các biến động này và cho chúng ta một lời giải đáp, một lối đi phù hợp?

Krugman cho rằng mô hình tổng cầu - tổng cung không thể áp dụng để giải thích cho cuộc khủng hoảng này, bởi vì mô hình đó giả định rằng nền kinh tế có thể được đại diện một cách hợp lý là sản xuất một hàng hóa duy nhất – với bối cảnh khác thì phù hợp, nhưng không phải bây giờ. Đơn giản là, nền kinh tế Mỹ đang đóng cửa cả một phần cung và một phần cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Điều này có nghĩa là các mô hình kinh tế vĩ mô tiêu chuẩn, truyền thống không thể áp dụng nếu không có điều chỉnh phù hợp.

Nhưng không khó để tạo ra các mô hình hai ngành sử dụng nhiều đơn giản hóa chiến lược giống nhau mà chúng ta đã sử dụng trong quá khứ. Ông cho rằng có một số nghiên cứu rất hay về câu hỏi liệu việc đóng cửa trong một số lĩnh vực có lan truyền thành suy thoái trong các lĩnh vực khác không (Veronica Guerrieri và cộng sự), và liệu nó có tạo ra sự lan tỏa trên thị trường tài chính (Ricardo Caballero và Alp Simsek) hay không. Cách tiếp cận này thực sự hữu ích như một ống kính để phân tích dữ liệu và phản hồi chính sách.

Điều này có nghĩa là dù các mô hình truyền thống không thể giải thích cho khủng hoảng lần này, nhưng dưới góc độ kinh tế học có thể phân tích. Krugman cho rằng chính phủ Mỹ đang đi đúng hướng về chính sách và xử lý tốt các vấn đề kinh tế. Trong giai đoạn này, các phản ứng chính sách thông thường như kích thích hoặc cắt giảm thuế là không phù hợp, và việc tập trung vào các vấn đề phúc lợi xã hội nên được ưu tiên hàng đầu.

Không lo ngại lạm phát mà lo ngại giảm phát dù thâm hụt ngân sách khổng lồ và chương trình mua tài sản quá lớn của Cục Dự trữ Liên bang

Câu hỏi đặt ra là, trong một tình huống kinh tế bất thường như hiện nay, cho tới giờ phút này, hạn chế trong chính sách của Chính phủ Mỹ có thể là gì? Lo ngại giá cả sẽ bị đẩy bởi một cú sốc nào đó là liệu rằng các chính sách gần đây của chính phủ Mỹ gây thâm hụt ngân sách khổng lồ, chương trình mua tài sản của Cục Dự trữ Liên bang có thể gây ra một vòng xoáy lạm phát mới hay không?

Trả lời câu hỏi này, Krugman cho rằng việc hỗ trợ cho người thất nghiệp có thể gây ra sức ép cho lạm phát. Nhưng các dữ liệu vĩ mô cho thấy điều này dường như không xảy ra. Ông cho rằng thặng dư của khu vực tư nhân đã tăng đủ để đáp ứng thâm hụt khu vực công, mà vẫn còn dư địa - đó là sức ép giảm phát.

"Nhu cầu giảm không chỉ là bao gồm các hộ gia đình hoãn tiêu thụ cho đến khi họ có thể đến nhà hàng một lần nữa; mà còn có một sự suy giảm trong xây dựng nhà cửa, bất động sản thương mại v.v. nói cách khác liệu có ai muốn xây dựng một khu tổ hợp văn phòng trong giai đoạn một bệnh dịch?", Krugman cho biết (theo Bloomberg).

Nguyên nhân khủng hoảng là khác thường nên không thể áp dụng lối suy nghĩ và tư duy chính sách thông thường

Krugman cũng là nhà kinh tế phê bình gay gắt những người đã sử dụng các mô hình kinh tế vĩ mô không phù hợp để cố gắng giải thích cuộc Đại khủng hoảng 2008-9 có nguyên nhân bắt nguồn từ sự thay đổi tiến bộ công nghệ hoặc công nhân quyết định không làm việc. Như bây giờ chúng ta đã rõ, tiến bộ công nghệ và công nhân không làm việc không phải là lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước. Các mô hình kinh tế không phải lúc nào cũng giải thích được các hiện tượng và sự kiện kinh tế bởi các giả định mô hình không còn phù hợp trong bối cảnh mới.

Trả lời cho câu hỏi của phóng viên Bloomberg rằng mô hình kinh tế nào nên được sử dụng lúc này và những loại lý thuyết và ý tưởng nào chúng ta nên tránh sử dụng, Krugman cho rằng những ý tưởng vô dụng nhất bao gồm: thứ nhất, những người bám cứng vào lý thuyết cắt giảm thuế sẽ hiệu quả cho nền kinh tế; thứ hai, những ý tưởng chính sách kinh tế thông thường mà không tính toán đến đặc thù của tình huống hiện tại.

"Bây giờ bạn thấy có những vị - cánh hữu cánh tả đều có - nói chuyện như thể đây là một cuộc suy thoái đa dạng thông thường, mà không tính toán đến đặc thù của việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội. Nói cách khác, chỉ nên chú ý đến những ai nỗ lực thực sự để vật lộn với các yếu tố mới lạ xuất hiện trong cuộc khủng hoảng này", ông Krugman dẫn chứng (theo Bloomberg).

Theo Krugman, hầu hết nền kinh tế vẫn hoạt động theo cách thông thường, đó là nói ít nhiều về lý thuyết Keynes trong ngắn hạn. Chúng ta có thể hiểu rất nhiều điều bất thường chỉ bằng cách áp dụng các quy tắc hành vi thông thường vào một tình huống bất thường: mọi người có thể thất nghiệp với việc doanh nghiệp bị mất doanh số vì những lý do kỳ lạ, nhưng quyết định chi tiêu của họ có thể sẽ giống như những người mất việc trong thời gian bình thường. Rất nhiều điều đang diễn ra trên thị trường tài chính phản ánh các loại lan truyền rủi ro thông qua bảng cân đối kế toán mà chúng ta đã thấy trong năm 2008-9.

Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế học, Krugman cho rằng phần khó là định lượng các tác động đan xen cắt chéo nhau. Ví dụ, những ảnh hưởng của sự gián đoạn chuỗi cung ứng tương quan thế nào với tình trạng thừa công suất trong tác động đến lạm phát? Chúng ta còn bỏ sót những gì trong các yếu tố ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng? Các nhà kinh tế học vẫn đang nỗ lực để tìm ra câu trả lời thích đáng hơn với hy vọng sớm tìm ra lối thoát cho nền kinh tế.

Đại khủng hoảng lần này sẽ không kéo dài trong nhiều năm - nó là một cuộc khủng hoảng bình thường và không phải là sự kết thúc

So sánh trong lịch sử, dịch cúm Tây Ban Nha cũng dẫn đến nhiều sự giãn cách xã hội, dường như không để lại vết sẹo kinh tế lâu dài cho quốc gia. Nhưng nền kinh tế hiện đại rất khác biệt - phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng mỏng manh, phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản nợ và tín dụng, tập trung vào các dịch vụ hơn là sản xuất và nông nghiệp. Do vậy, liệu khủng hoảng lần này có khiến Mỹ có một thập kỷ mất mát? Sai lầm chính sách nào có thể khiến nỗi đau "mất mát kinh tế" kéo dài hơn?

Trả lời cho câu hỏi này, Krugman đề cập đến dữ liệu của các cuộc suy thoái kinh tế Mỹ trong 40 năm qua. Ông cho rằng các cuộc khủng hoảng có thể chia thành 2 loại: thiếu hụt thanh khoản (tiêu biểu là khủng hoảng kinh tế năm 1979-82) và do mở rộng đầu tư, tiêu dùng quá mức của khu vực tư nhân (như năm 2007-09). Loại khủng hoảng kinh tế do thiếu hụt thanh khoản sẽ phục hồi nhanh chóng theo hình chữ V, loại thứ hai sẽ phục hồi chậm chạp hơn và mất nhiều thời gian để tái tạo việc làm đầy đủ.

Dưới góc nhìn của Krugman, sự suy giảm kinh tế do coronavirus lần này ở Mỹ có tính chất giống như cuộc khủng hoảng năm 1979-82 hơn là cuộc khủng hoảng năm 2007-09: nguyên nhân không phải là những mất cân đối cần nhiều năm khắc phục. Vì vậy, điều đó sẽ có nghĩa là phục hồi nhanh một khi virus được kiểm soát. Tuy nhiên, còn nhiều rủi ro và bất định.

Cho rằng Mỹ không có sự mất cân đối kinh tế trước đại dịch, nhưng bản thân đại dịch có thể đang tạo ra những mất cân đối mới ngay bây giờ, các doanh nghiệp phải đóng cửa kinh doanh - họ cần thời gian để phục hồi. Ngoài ra ngay cả khi Mỹ không có sự mất cân đối kinh tế vĩ mô lớn từ trước, nhưng đại dịch có thể tạo ra những thay đổi dài hạn. Chẳng hạn như sự thay đổi vĩnh viễn sang tập quán bán lẻ từ xa nhiều hơn và bán lẻ trực tiếp ít hơn, sự dịch chuyển này kéo theo dịch chuyển nhân công, sẽ mất nhiều thời gian điều chỉnh lao động. Đó là một cuộc tranh cãi mà nhiều người đã đưa ra vào năm 2009, lúc đó không đúng nhưng giờ nó có thể đúng.

Qua tất cả các phân tích trên, Krugman không thấy khả năng đại khủng hoảng kéo dài nhiều năm. Ông tin tưởng rằng đây sẽ chỉ là một cuộc khủng hoảng bình thường như bao cuộc khủng hoảng khác, không phải sự kết thúc cuối cùng.


https://www.ntdvn.com/

Phạm Phú Khải - Đấu tranh bạo động sẽ dẫn đến đâu?


Hiện nay vẫn có một số người và tổ chức, trong và ngoài nước, cổ võ cho đấu tranh bạo động để thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.

Cờ VNCH và đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ tại một buổi lễ trên chiến hạm cũ USS Midway.
Tiếp cận với một số bạn trẻ trong nước, tôi nhận định còn rất nhiều bạn mù mờ về đấu tranh bất bạo động, nhưng ảo tưởng về cuộc đấu tranh bạo động.

Có vài tổ chức hải ngoại tuyên truyền rằng họ đang được chính quyền Mỹ ủng hộ, và nay mai sẽ về phục quốc bằng con đường đấu tranh võ trang với sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Tuy nghe rất ảo tưởng, vậy mà vẫn có người tin!

Đã đến lúc những ai đang bị mê hoặc bởi niềm tin hoàn toàn thiếu cơ sở nên đoạn tuyệt hẳn với quan niệm này.

Trước hết, để cho cuộc đấu tranh bạo động thành công, nó đòi hỏi các điều kiện nào?

Tôi cho rằng một trong ba điều kiện cần, không phải đủ, sau đây.

Một, quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay sẽ đứng về phía nhân dân, phía đối kháng, tức những người đấu tranh. Chúng ta nghĩ họ sẽ đứng về phía nào? Những người đứng đầu phía quân đội là do ai chọn, từ lập trường, quan điểm/tư tưởng đến thành tích và kinh nghiệm? Nếu không có đủ sức mạnh để cân bằng quyền lực và tạo ảnh hưởng thì quân đội sẽ không bao giờ nghiêng về phía người dân. Nếu có đi chăng nữa thì họ tự đảo chánh, lên nắm quyền, và trở thành thể chế quân phiệt, không phải dân chủ. Nhưng nếu thế lực của người dân đủ mạnh thì đó là chuyện khác.

Hai, nếu quân đội nhân dân Việt Nam không đứng về phía đấu tranh, thì phía đấu tranh cần có một lực lượng vũ trang đủ mạnh để chiến đấu, tồn tại và phát triển, về lâu về dài. Lực lượng này từ đâu đến? Những người lính Việt Nam Cộng Hòa, trẻ nhất, thì cũng trên 60 rồi. Trong 45 năm qua có mấy ai trong số này vẫn còn chiến đấu? Chỉ có hậu duệ của họ mới tham gia vào quân đội và đang phục vụ cho các quân binh chủng thiện chiến khắp thế giới. Nhưng những hậu duệ này chỉ phục vụ cho các quốc gia mà họ là công dân thôi. Cuối cùng chúng ta thấy, những ai kêu gọi đấu tranh võ trang mà không có thực lực hay chuẩn bị gì thì cũng vô ích. Không những thế, còn gây ra sự nguy hiểm và có thể đưa nhiều người vào chốn lao tù.

Ba, cứ cho rằng các lực lượng đấu tranh có một phần thực lực nào đó (vài trăm hay vài ngàn cây súng, từ đâu ra thì không biết), được chỉ huy bởi một số người từng giỏi về quân sự, một vài tướng, tá cũ của Việt Nam Cộng Hoà, chẳng hạn. Ngoài ra còn được Hoa Kỳ hay các quốc gia khác yểm trợ quân sự. Ngay cả trong trường hợp này, chúng ta nghĩ ai sẽ thắng cuộc chiến này?

Thật ra những ai hiểu lịch sử Hoa Kỳ và chính sách ngoại giao của họ thì sẽ không ảo tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ chủ trương thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam hôm nay bằng quân sự. Cuộc chiến Việt Nam là một trong các bài học lớn nhất cho Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến nay. Tất cả các tổng thống Hoa Kỳ từ đó đến nay đều bị ám ảnh ít nhiều bởi bao hệ quả do cuộc chiến này để lại. Thêm vào đó, Hoa Kỳ hiện nay cần một nước Việt Nam có khả năng để tạo thế liên minh hầu cân bằng Trung Quốc tại Biển Đông. Chuyện chính phủ Hoa Kỳ quyết định ủng hộ cho một nhóm nhỏ nào đó về đấu tranh thay đổi Việt Nam không chỉ là ảo tưởng, mà là không tưởng.

Ngay cả khi có được một trong ba yếu tố này, chưa chắc gì cuộc đấu tranh bạo động này sẽ thành công. Sự thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác.

Chắc chúng ta cũng không quên rằng sau 30 tháng Tư năm 1975, rất nhiều tổ chức kháng chiến chống Cộng đã hoạt động. Họ có một số lực lượng võ trang nào đó. Nhưng sau cùng đều bị tiêu diệt. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, sau này là Việt Tân, là có khả năng nhất trong các tổ chức này, nhưng từ năm 2005 cũng đã chính thức tuyên bố con đường đấu tranh của họ là bất bạo động.

Trên hết, mọi cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền nào mang tính bạo động thì sẽ không được ủng hộ. Xu hướng chung của thế giới hiện nay là bất bạo động.

Đó là chưa kể mọi hình thức đấu tranh bất bạo động đều có những hệ luỵ vô cùng khốc liệt của nó. Đấu tranh bạo động chỉ đưa những người đấu tranh vào chỗ chết, hoặc bị huỷ diệt, một cách đáng tiếc nhất. Chúng ta cần đặt các câu hỏi sau đây.

Một, giả sử cuộc đấu tranh bạo động thành công, ai sẽ lên nắm quyền lực? Tất nhiên là thành phần nắm quyền lực cứng.

Hai, thành phần này có sẵn sàng chuyển giao quyền lực về phía người dân không, hay họ vịn cớ này hay cớ khác tiếp tục nắm quyền, và tiếp tục độc tài độc đoán? Câu trả lời có lẽ đã quá rõ ràng.

Ba, cho dầu bên nào thắng đi nữa, sẽ tiếp tục có máu đổ xương rơi, sẽ tiếp tục có trả thù giết chóc sau đó. Bên phía chống Cộng chắc cũng vậy. Còn phía độc tài toàn trị hiện nay sẽ tìm mọi cách trả thù tiêu diệt mọi mầm móng mà họ cho là nguy hiểm còn sót lại.

Vì sao vậy? Vì bạo lực gây ra hận thù rất lớn. Và bạo lực nó lan truyền khủng khiếp.

Chúng ta đều biết bạo lực lại duy trì bạo lực. Cái vòng luẩn quẩn của bạo lực sẽ không có lối thoát nếu không nhìn ra được và không ý thức được phương cách giải quyết nó.

Theo nghiên cứu năm 2016, thanh thiếu niên tại Hoa Kỳ có khả năng lên đến 183 phần trăm gây nên bạo lực nếu một trong những người bạn của họ đã phạm tội đó. Bạo lực từ một người có khả năng ảnh hưởng lan rộng đến hai độ xa cách (bạn của bạn) như gây thương tích trầm trọng, ba độ xa cách (bạn của bạn của bạn) như sử dụng vũ khí, và bốn độ xa cách (bạn của bạn của bạn của bạn) như đánh nhau nặng nề.

Kết luận của các nghiên cứu này có thể giải thích các hành động bạo lực mang tính tập thể, từ khủng bố, các cuộc cách mạng chính trị, và những cuộc đấu đá giữa các băng đảng.

Vấn nạn bạo lực tại Việt Nam đã tràn lan quá nhiều rồi. Đã đến lúc chúng ta nên tìm cách đoạn tuyệt với nó. Nó không giúp gì được cho mình gia tăng nội lực, gia tăng chí và khí, gia tăng tri thức và tinh thần của mình, mà còn làm cạn kiệt và tê liệt mọi khả năng lý luận và mọi nỗ lực hàn gắn những đổ vỡ kinh khủng do di sản lịch sử và văn hóa để lại.

Nếu chúng ta muốn thay đổi cho xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, chúng ta cần chọn con đường ít gây đổ vỡ nhất, ít gây tổn thất tan thương nhất, ít gây hận thù nhất. Đừng để việc trả thù chồng chất thêm mà không có lối thoát.

Đó là con đường đấu tranh bất bạo động.

Nói dễ, nhưng làm khó. Vô cùng khó khăn.

Nhưng chúng ta không còn con đường nào tốt hơn. Cũng như dân chủ, một hình thức chính quyền ít tồi tệ nhất, ngoại trừ những gì đã được thử, như Winston Churchill từng nói, thì con đường đấu tranh bất bạo động vẫn đầy thử thách về trí tuệ và tinh thần. Không có cuộc đấu tranh bất bạo động nào dễ dàng cả. Nhưng một khi đại đa số người dân tham gia để làm cuộc cách mạng thay đổi, qua đó học được các hình thức đấu tranh của các nước dân chủ, thì đó là con đường tốt và bền vững nhất cho Việt Nam hôm nay khi thay đổi đến.

Phạm Phú Khải 

(Blog VOA)

Đập Tam Hiệp mực nước vượt quá xả lũ, Vũ Hán thông báo khẩn, Nghi Xương gần như biến mất


Mưa lớn ở miền nam Trung Quốc tiếp tục kéo dài. Vào lúc 6h sáng ngày 30/6, Đài quan sát khí tượng trung ương liên tiếp đưa ra cảnh báo mưa bão, dự kiến mưa lớn vẫn xảy ra ở phía nam và tây nam. Ngày 29/6, đập Tam Hiệp đã bắt đầu khẩn cấp xả lũ, gây ra áp lực rất lớn đến các thành phố ở hạ lưu. Hiện tại, nhiều thành phố bị ngập lụt, và cũng có thông tin rằng nhiều người rơi xuống nước bị điện giật tử vong. Những dữ liệu này đều thuộc về "bí mật quốc gia".

Đập Tam Hiệp mực nước vượt quá xả lũ, Vũ Hán thông báo khẩn, Nghi Xương gần như biến mất
Theo cảnh báo sớm do Đài truyền hình vệ tinh trung ương đưa ra, ước tính từ 8h sáng ngày 30/6 đến 8h sáng ngày 1/7, lưu vực phía nam Tứ Xuyên, đông bắc Vân Nam, hầu hết các khu vực ở Quý Châu, tây bắc Quảng Tây, miền trung Hồ Nam, tây và đông bắc Giang Tây, bắc Phúc Kiến, nam Chiết Giang và những nơi khác có mưa bão lớn.

Trong số đó, ở một số khu vực phía nam lưu vực Tứ Xuyên, tây nam Quý Châu và tây nam Chiết Giang xảy ra mưa bão lớn (lưu lượng mưa từ 100 đến 140 mm). Một số khu vực nêu trên đi kèm với lượng mưa lớn trong thời gian ngắn (lượng mưa tối đa mỗi giờ từ 30 đến 50 mm, có địa phương vượt quá 70 mm), có nơi có thời tiết đối lưu mạnh như giông bão và gió mạnh.

Vào ngày 29/9, Tân Hoa Xã đưa tin, "chịu ảnh hưởng của mưa bão liên tục, chiều ngày 27/6, lưu lượng nước của Hồ chứa Tam Hiệp bắt đầu tăng. Vào lúc 14h ngày 28/6, lưu lượng của Hồ chứa Tam Hiệp đạt 40.000 m3/s, gấp đôi lúc 14h ngày 27/6. Để đối phó với vấn đề này, lãnh đạo phòng chống lũ sông Dương Tử yêu cầu xả nước Hồ chứa Tam Hiệp để đạt lưu lượng nước trung bình 35.000 m3/s. Đến 5h chiều ngày 29/6, mực nước của đập Tam Hiệp đã đạt tới mức 147,57m vượt mực nước lũ 2,57m. Cùng ngày, 34 tổ máy phát của Nhà máy điện Tam Hiệp đã triển khai toàn bộ, với tổng sản lượng hơn 20 triệu kW, gần hết công suất. Đây là lần xả lũ đầu tiên của Tam Hiệp trong năm nay .

Tuy nhiên, việc đập Tam Hiệp xả lũ được cho rằng sẽ gây ra áp lực lớn cho các thành phố ở hạ lưu. Theo báo cáo của trang web sông Dương Tử vào lúc 7h sáng ngày 30/6, Văn phòng chống lũ thành phố Vũ Hán đã đưa ra thông tin, nói rằng vào lúc 7h sáng ngày 30/6, mực nước của Trạm sông Dương Tử đạt 25m, là mực nước cần phải phòng vệ.

Mức kiểm soát lũ ở Vũ Hán được chia thành ba cấp độ. Dựa trên mực nước Vũ Hán (trạm Hán Khẩu), mực nước phòng bị là 25m, mức cảnh báo là 27,30m, và mực nước bảo đảm là 29,73m.

Tuy nhiên, các thành phố như Nghi Xương, gần Vũ Hán và chỉ cách đập Tam Hiệp hơn 40 km, hiện đã phải chịu trận mưa lớn 20 năm một lần. Vào ngày 27/6, lượng mưa cao nhất ở Nghi Xương đạt 271,6 mm, vượt quá mức cao nhất trong lịch sử của Trạm Khí tượng Nghi Xương. Nhiều xe ô tô đã bị chìm trong nước.

Qua các video chia sẻ trên mạng Internet cho thấy, vào ngày 27/6 sau khi nước sông tăng vọt gây lũ lụt nhiều nơi trong thành phố, dây điện cao áp rơi xuống nước, khiến nhiều người rơi xuống nước và bị điện giật tử vong. Tuy nhiên, thông tin vẫn chưa được xác nhận chính thức.

Trước đó, một số người dân Trung Quốc đã cảnh báo trên mạng Internet rằng Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác là khu vực tiếp theo sẽ bị lũ lụt. Tuy nhiên, người ta nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấm người dân lan truyền thông tin về lũ lụt trên mạng. Vì vậy, trên Weibo rất ít thấy tình hình về thiên tai. Nhưng trên Twitter, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã đăng tải các video liên quan.

Theo tin của Radio Free Asia (RFA), một cư dân họ Lý ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, cho biết trong một video vào ngày 27/6 rằng: "Hiện giờ bạn có thể thấy tại hiện trường mực nước sông Dương Tử đang rất cao. Tôi nghe nói rằng thượng lưu đập Tam Hiệp, đập Cát Châu Bá đang toàn lực xả lũ. Hiện chưa tới mùa nước lên, mùa lũ chính ở lưu vực sông Dương Tử nói chung là tháng 7 và tháng 8. Năm nay, các thành phố trong lưu vực sông Dương Tử, bao gồm cả Vũ Hán có bị lũ hay không, chúng tôi sẽ cố gắng đến hiện trường mỗi ngày để xem ​​mực nước của sông Dương Tử".

Cư dân mạng có nick "Shaoxia" đã chỉ ra trong một video trên Twitter rằng: "Căn phòng nhìn ra toàn là sông, ai lâm vào cảnh lầm than mới thấu hiểu. Trong 3 tiếng, nước dâng cao 5 đến 6m nhấn chìm tòa nhà hai tầng".

Nước chảy xối xả, nhiều người dân không kịp chạy thoát. Có người đăng hình ảnh những chiếc xe ô tô chìm ngập trong nước với dòng chú thích trực tiếp rằng “hạ lưu Tam Hiệp chịu tổn thất nặng nề, một số thi thể nổi lên mặt nước”.

Tân Hoa Xã đã đưa tin vào ngày 29/6 rằng dự kiến ​​sẽ có mưa vừa đến mưa to gần các nhánh của thượng nguồn sông Dương Tử từ ngày 1 đến ngày 2/7 và mưa bão cục bộ. Đến ngày 3/7, sẽ có mưa lớn trên thượng nguồn sông Gia Lăng, thượng nguồn Hán Giang có mưa to và dông. Do đó, "vào đầu và giữa tháng 7, Hồ chứa Tam Hiệp có thể phải đón đợt lũ mới".

Một số chuyên gia chỉ ra rằng đợt xả lũ đầu tiên của đập Tam Hiệp năm nay sẽ mang lại một làn sóng lũ mới cho khu vực.

https://www.ntdvn.com/

Trung Quốc kiểm duyệt Zoom: Khó khăn cho các trường đại học Hoa Kỳ?!


Phản ứng của Zoom cũng như các công ty nước ngoài khác khi bị buộc phải lựa chọn: hoặc chấp nhận yêu cầu của chính phủ Trung Quốc hoặc mất quyền truy cập vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc kiểm duyệt Zoom: Khó khăn cho các trường đại học Hoa Kỳ?!
Công ty Zoom của Mỹ gần đây đã thừa nhận rằng họ đã làm một việc tồi tệ là tạm thời đóng tài khoản của một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ vào tháng trước sau khi họ tổ chức một sự kiện ảo để kỷ niệm ngày 4 tháng 6 nhân vụ thảm sát Thiên An Môn. Zoom khăng khăng rằng họ đã làm như vậy nhằm “ tuân thủ luật pháp địa phương”, nhưng không nêu rõ họ đã phạm vào luật nào.

Zoom đã cam kết rằng các yêu cầu kiểm duyệt từ chính phủ Trung Quốc sẽ không gây ảnh hưởng đến người dùng bên ngoài Trung Quốc đại lục. Zoom cũng đang phát triển các tính năng mới sẽ cho phép chặn người dùng dựa vào vị trí định vị của họ.

Phản ứng của Zoom cũng như các công ty nước ngoài khác khi bị buộc phải lựa chọn: hoặc chấp nhận yêu cầu của chính phủ Trung Quốc hoặc mất quyền truy cập vào thị trường Trung Quốc.

Bắc Kinh đã gây áp lực cho các hãng hàng không và chuỗi khách sạn nước ngoài, ví dụ, loại bỏ bất kỳ chi tiết nào đề cập đến việc Đài Loan tách biệt với Trung Quốc trên các trang web của các hãng này. Nhưng các công ty khác, như Google, đã từ bỏ Trung Quốc do các luật kiểm duyệt nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Zoom, dường như có mặt khắp nơi kể từ khi đại dịch corona bắt đầu, đã bị đẩy vào tầm ngắm khi họ đang tung hoành ở Trung Quốc. Tất cả mọi người mọi, giới từ các công ty, cơ sở tôn giáo và các nhóm xã hội đều đổ về Zoom khi bị cấm túc ở nhà, vì Zoom tỏ ra có nhiều chức năng hơn so với một số đối thủ cạnh tranh.

Nhưng chính “giải pháp “ của Zoom đối với sự kiểm duyệt Trung Quốc là một vấn đề khó khăn cho nhiều trường cao đẳng và đại học ở Mỹ hiện đang phụ thuộc vào Zoom sau khi đóng cửa trường vì đại dịch, James Millward, giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học Georgetown cho biết.

Có khoảng 370.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ, nhiều người trong số đó đã trở về Trung Quốc trong thời gian ngừng trường học đóng cửa vì COVID-19. Việc cấp thị thực và lệnh cấm đi lại do dịch bệnh đã khiến một số sinh viên Trung Quốc và sinh viên nước ngoài khác không thể quay trở lại Hoa Kỳ kịp thời vào đầu học kỳ mùa thu. Gần đây trên Medium, Millward kêu gọi các trường đại học thiết lập “Kế hoạch B” trong trường hợp Zoom kiểm duyệt sinh viên theo lệnh của chính phủ Trung Quốc. Millward và các giáo sư khác xem kịch bản tiềm năng này là mối đe dọa đối với tự do học thuật tại các trường đại học Mỹ.

Mặc dù chưa có dấu hiệu nào cho thấy sinh viên Trung Quốc sẽ bị ngăn kết nối với Zoom để tham gia các lớp học ảo tại các trường đại học Mỹ, nhưng chính quyền Trung Quốc đôi khi đã cố gắng định hình hành vi của những sinh viên theo học đại học ở nước ngoài bằng cách khuyến khích hoặc hướng dẫn họ thể hiện sự bất mãn đối với những điều được cho là xúc phạm đến Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đôi khi cũng theo dõi các sinh viên của họ ở nước ngoài thông qua các Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc trong các trường học ở nước ngoài.

Bảo vệ quyền riêng tư đối với dữ liệu người dùng Zoom sẽ không cản trở nhu cầu chính trị của Trung Quốc nếu dũ liệu được chuyển qua các trung tâm dữ liệu của công ty tại Trung Quốc. Millward nói sẽ không phải có chuyện một quan chức Trung Quốc theo dõi một lớp học. Nhưng khả năng giám sát và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc có thể cho phép các cơ quan chức năng quét để biết nội dung nhạy cảm về mặt chính trị trong tài liệu học thuật, chẳng hạn như các bài giảng đã được chuẩn bị trước trên Zoom. Millward tin rằng chính phủ có thể yêu cầu Zoom “loại bỏ bất kỳ ai trong một lớp học mà từ Tân Cương hoặc Tây Tạng hoặc Đài Loan xuất hiện.”

Những lo ngại về kiểm duyệt học thuật này có thể là sớm, nhưng “từ tất cả mọi thứ khác mà chúng tôi đã thấy được khả năng này”, Mill Millward cảnh báo. “ Hãy đảm bảo rằng Zoom không chia sẻ quyền truy cập vào nội dung hoặc tên của người dùng, tên của các cuộc họp hoặc bất kỳ loại thông tin nào với các bên thứ ba sẽ là điều mà bất kỳ ai ký hợp đồng với Zoom nên yêu cầu.” Ông cũng nghĩ rằng các trường đại học nên đa dạng hóa các lựa chọn liên quan đến các nền tảng học tập từ xa trong trường hợp tài liệu học thuật bị kiểm duyệt trên Zoom.

Nhưng Millward không nghĩ rằng việc từ bỏ Zoom hoàn toàn sẽ làm cho các trường đại học trở nên tốt đẹp: “ Đây không phải là một giải pháp dễ dàng, bởi vì bất kỳ công ty nào khác cuối cùng cũng sẽ rơi vào tình huống tương tự như Zoom.”

Nhà hoạt động Hồng Kông Lee Cheuk-Yan cho biết tài khoản có đóng phí của anh trên Zoom đã bị khoá vào ngày 22 tháng 5 trước khi anh tổ chức một buổi nói chuyện trực tuyến với Jimmy Sham.

Lee là người trong nhóm tổ chức lễ đốt nến tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn hàng năm. Lee cho biết hai cuộc hội thoại trước đó đã diễn ra suông sẻ. Cộng sản Trung Quốc đã hứa cho 7 triệu người dân Hồng Kông được hưởng các quyền tự do dân sự các quyền tự do khác trong vòng ít nhất nửa thế kỷ sau khi Hồng Kông được chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997.

Một hình chụp từ màn hình được đăng trên Facebook của Lee cho thấy tin nhắn báo lỗi của Zoom ngày 27 tháng 5. Tin báo rằng tài khoản của Lee đã bị ngừng hoạt động và Lee cần phải liên hệ với bộ phận dịch vụ khách hàng để được giúp đỡ.

Lee đã liên hệ nhưng không được hồi âm hay nhận lại tiền đã đóng.

” Phải chăng một công ty Mỹ lại phải làm theo luật của Trung Quốc mà không tuân thủ tự do ngôn luận và tự do thông tin theo luật Mỹ?”

Nguồn: https://www.worldpoliticsreview.com/
 

Website và blog tiêu biểu

Top ↑ Copyright © 2008. Tin Tức Hàng Ngày - All Rights Reserved
Back To Top ↑