Tin Tức Cập Nhật 24/7
Home » » Nguyễn Đức Cung - Bài Học của Lịch Sử

Nguyễn Đức Cung - Bài Học của Lịch Sử

Đăng bởi: Admin on Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020 | 05:59


Nguyễn Đức Cung - Bài Học của Lịch Sử
Thông thường người ta thường nói về kinh nghiệm của con người qua bốn chữ “bài học lịch sử”, “bài học quá khứ”… nhưng ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh về kinh nghiệm đã trải qua trong quá trình thời gian được đúc kết làm bài học, sự thâm sâu của bài học mà chúng ta đã nghiền ngẫm trong quá khứ và để từ đó thoát ra khỏi sự thường tình của một câu nói vốn dễ rơi vào lãng quên và nhất là để nhận chân được sự thật, so sánh được giá trị của cái mà chúng ta muốn tìm với những gì không đạt tới được cho nên chúng tôi muốn thêm vào đó chữ “của” như tiêu đề của bài viết này. Quả thật, đúng như một vị tôn sư của chúng tôi ở khoa sử hơn sáu thập niên trước đây từng nhắc nhở “Người ta phải ý thức quá khứ để cải tiến hiện tại.” (Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, Phòng nghiên cứu Sử, Viện Đại Học Huế 1964, trang 17) hay có nơi : “Kinh nghiệm là thầy dạy của cuộc đời mà lịch sử là thầy dạy của kinh nghiệm” (Nguyễn Hữu Châu Phan, trích lời của GS Nguyễn Phương được in trong phần giáo đầu gồm ba tập Bản thảo Khảo luận tốt nghiệp Ban Sử ĐHSP có tên Lịch Sử Việt Nam, (khoảng 1.500 trang, Trường Đại Học Sư Phạm Huế, 1959-1962, di cảo của GS Nguyễn Hữu Châu Phan, chưa xuất bản).

1.- Trường đời: kho báu của kinh nghiệm

Nếu chúng ta lùi mãi trong quá khứ gần hai nghìn năm về trước, ta sẽ bắt gặp tư tưởng của một vĩ nhân của nền văn hóa cổ La mã có tên gọi là Cicero. Cicero (Marcus Tullius Cicero,106-43 tr. CN.), sinh tại tỉnh nhỏ có tên Arpinum 60 dặm về phía nam của Rô-ma, một nhà diễn thuyết lừng danh mà sự hùng biện của ông đã đập tan âm mưu đảo chính nghị trường của nhà quý tộc hư hỏng Catiline (Lucius Sergius Catilina, 109-62 tr. CN.) trong năm 63 (B.C.), và 20 năm sau cũng chính sự chống đối đầy tinh thần ái quốc của ông đã làm ông tiêu mất mạng sống vào tay một người cao mưu hơn (high-handed policies) là tướng Mark Antony (Marcus Antonius, 83-30 tr. CN). Cicero được coi là người rất đáng khâm phục trong lãnh vực Tu từ học Rô-ma (Rhetoric La Mã), là người từng dẫn giải nền triết học Hy Lạp cho đồng bào của mình, là một nhà luận chứng về Tình bạn hữu (De Amicitia) và về loại châm ngôn (De Senectute)… và với một kiểu cách ít hình thức hơn, ông được coi như là một nhà văn tác giả của những bức thư tín tự mạc khải chính mình (self-revealed letters). Cicero đã có những đóng góp hết sức rộng lớn trong lãnh vực tiếng Latin. (Wheelock’s Latin, The Classic Introduction Latin Course, Based on the Writings of Cicero, Vergil, and Other Major Roman Authors, Frederic M. Wheelock and Richard A. Lafleur, Collins Reference, 7th Edition, 2011, Introductio, xxxi). Giáo sư Wheelock là một cựu chiến binh thời Đệ Nhị Thế Chiến, vốn là Giáo sư môn Cổ ngữ tại Trường Đại Học Brooklyn 1946, (sách hiện nay còn được dùng được làm tài liệu giảng huấn căn bản tại hầu hết các trường Trung học và Đại học Hoa Kỳ) Giáo sư Richard A. LaFleur thuộc University of Georgia bổ chính mùa thu năm 2010 và được hai người con gái của Gs Wheelock Martha Wheelock và Deborah Taylor in năm 2011. Có lẽ chính Gs Wheelock cũng cám cảnh cho trường hợp của người xưa khi nhắc đến cái chết của Cicero năm 43 trước CN liên quan đến sự trung thực của ông do lòng yêu nước thúc đẩy và do những dự phóng của ông về con đường tương lai của đất nước nơi ông cư ngụ.

Chính Cicero đã từng nói: “Lịch sử là thầy dạy của cuộc đời” (Historia, magistra vitae). Câu này vốn là một câu nói nằm lòng của bất cứ sinh viên nào thuộc khoa Sử trường Đại Học Văn Khoa Huế trước năm 1975, từng là môn sinh của cố linh mục sử gia Nguyễn Phương đều nghe nhắc tới như một châm ngôn khi bước chân vào trường phái sử học của Viện Đại Học Huế.

Chính Cicero cũng đã để lại một lời khuyên rất chính đáng cho những ai cầm bút viết sử đó là: “Luật đầu tiên của lịch sử là không được nói gì mà không đúng với sự thật, và không có gì thật mà không nói đến.”(Primam esse historiae legem, ne quid falsidicere audeat, nequid very non audeat).

2.- Kinh nghiệm về một bản quốc ca vọng lời non nước…

Chúng tôi viết bài này nhân ngày Flag Day của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ngày 14 tháng 6. Về tiểu đề này có hai phần phải nói đến:

Thứ nhất, “Phần nhạc trong Quốc ca Hoa Kỳ do John Stafford Smith, một nhà soạn nhạc người Anh, sáng tác. John Stafford Smith sinh ngày 30 tháng 3 năm 1750 và qua đời ngày 21 tháng 9 năm 1836. Ông là người đàn phong cầm cho nhà thờ và cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc. John Stafford Smith là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên đã cẩn thận sưu tầm các tác phẩm của Johann Sebastian Bach.

Tuy nhiên, John Stafford Smith được nổi tiếng chỉ vì ông viết nhạc cho bài “To Anacreon in Heaven”. Bài hát này được viết vào khoảng giữa thập niên 1760, lúc Smith vẫn còn là một thiếu niên. Lời bài hát do Ralph Tomlinson đặt và nó trở thành bài hát chính thức của Anacreontic Society, hiệp hội nhạc sĩ tài tử viết nhạc trữ tình tại Luân Đôn . Bài hát nhanh chóng được phổ biến tại Anh Quốc và Hoa Kỳ.

Khoảng 50 năm sau, vào năm 1814, Francis Scott Key viết bài thơ Defence of Fort McHenry để hát với giai điệu của bài “To Anacreon in Heaven”. Bài hát được nhiều người tại Hoa Kỳ yêu mến. Năm 1931, Quốc hội Hoa Kỳ đề nghị Tổng thống Herbert Hoover thông qua dự luật công nhận bài hát trên là Quốc ca Hoa Kỳ. Bài hát với lời thơ của Francis Scott Key và phần nhạc do John Stafford Smith viết. Hai tác giả đã qua đời mà không biết mình nhận được vinh dự cao quý đó. (Truy cập tài liệu trên mạng).

Thứ hai, Francis Sott Key (1779-1843), một luật sư trẻ ở Washington đã viết bài thi trên trong một biến cố lịch sử quan trọng của quê hương Hoa Kỳ chống lại người Anh. Bởi vậy ở đây cần thiết phải nhắc lại chút ít diễn tiến có lien hệ đến bài thi này và cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ với Anh quốc.

“Trong suốt từ năm 1812 đến 1813, nước Anh quan tâm đến việc đánh Napoleon ở châu Âu hơn là đánh Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng mùa đông cực kỳ giá lạnh của nước Nga đã đập tan tham vọng của vị anh hùng bách chiến bách thắng của Pháp và cuộc lưu đày của Napoleon ngoài đảo Elba vào tháng Tư 1814 đã cho phép người Anh dồn tất cả mọi nỗ lực vào chiến cuộc với Hoa Kỳ. Khoảng 14,000 quân đội nhà nghề của Quận công Wellington bấy giờ đang được chuyển tới nhắm vào châu Mỹ với cao vọng đạt được chiến thắng mau lẹ cho phía Anh.

Các cuộc hành quân tấn công của Anh bắt đầu vào tháng Tám 1814 khi một hạm đội lớn tiến vào Vịnh Chesapeake và 4,000 quân chính quy đổ bộ lên các bờ sông Patuxent. Họ nghiền nát một đạo dân quân ở ngoại ô Washington và tiến vào thủ đô ngày 24 tháng Tám. Tổng Thống Madison và người vợ thông minh và xinh đẹp là bà Dolley chỉ kịp thu vén ít đồ đạc quý giá và rút về Virginia. Bởi vì một lực lượng Hoa Kỳ đã đốt thành phố York (ở Toronto vốn thuộc người Anh) năm 1813 nên lần này người Anh trả thù lại. Sau khi chiếm được thủ đô, quân Anh đốt điện Capitol (cùng với Thư Viện Quốc Hội), Tòa Bạch Cung, và một vài công thự khác. Đoàn quân thắng trận áo đỏ giong tàu tới Baltimore là nơi các đạo dân quân đang củng cố lại thế phòng ngự của họ trong lúc diễn ra trận chiến ở Washington. Ở đây quân Anh bị chận đứng lại và viên tướng chỉ huy bị giết. Nhưng trước khi bỏ cuộc và tháo lui ra Vịnh Chesapeake, đoàn chiến hạm Anh đã thực hiện một cuộc pháo hạm suốt đêm vào chiến lũy McHenry, một cứ điểm của Hoa Kỳ. Và trong suốt một đêm cực kỳ nguy hiểm đó (“perilous night” mà người luật sư trẻ tuổi của Washington, Francis Scott Key, đã theo dõi từ một tàu chiến của Hoa Kỳ “cho đến lúc bình minh vừa ló dạng” đã phát hiện với niềm tin của ông rằng “lá cờ của chúng ta vẫn còn đó”. Bài hát “Cờ Sao Sọc” đã được viết trong những tình huống đau thương như vậy.” (Boorstin and Kelly, AHistory of The United States, Prentice Hall, 1981, trang 166).

Bài hát của Francis Scott Key, bằng tiếng Anh đã được cố nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm (?) tù nhân trại tù Suối Máu, (tác giả tù ca “Anh Ở Đây…” nổi tiếng) dịch ra lời ca tiếng Việt, cũng khá nhuần nhuyễn như sau:

Ô! Kìa bầu trời cao.
Phấp phới bay cờ sọc sao.
Dù trời sáng hay ban chiều
Nhìn cờ bay với bao tự hào
Giữa sa trường đầy gian lao
Vẫn tung bay cờ sọc sao
Lồng lộng gió trên chiến hào
Hồn non sông hiên ngang vẫy chào.
Đầy trời rền vang tiếng pháo
Tiếng bom gào như xé gió
Hãy vững tin trong đêm dài
Nhìn lên lá cờ còn đây

Điệp khúc:

Người ơi hay chăng lá cờ hào hùng, trong gió bay vẫy vùng.
Miền Tự Do lòng ta yêu dấu! Là quê hương những anh hùng.

3.- Và một lá quốc kỳ vùng vẫy thiên thu

Lá cờ của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ do một người phụ nữ ở Philadelphia, Bà BETSY ROSS, vẽ. Như trong phần nói ở trên, tôi khởi viết bài này, ngày 14 Tháng Sáu 2020. Hoa Kỳ chọn ngày này để kỷ niệm lá quốc kỳ sao và sọc (Star-Spangled Banner) của họ (và cả của chúng ta nữa). Lá cờ này do bà Betsy Ross (1752-1836) theo lệnh của Tổng Thống George Washington (1732-1799) đã vẽ kiểu và may đầu tiên, và lá cờ này đã được Quốc hội Lục địa chấp nhận ngày 14-6-1777. Bà Betsy Ross vốn là một thợ may ở Philadelphia. Chồng bà là một dân quân, tử nạn vì một vụ nổ súng. Bà có sự liên hệ quen biết cùng lãnh tụ dân quân là George Washington sau này là Tổng Thống của Hoa Kỳ. Có nhiều tư liệu tỏ ra nghi ngờ việc bà Betsy Ross là người đưa ra kiểu và đã may lá quốc kỳ sao và sọc, vì người ta cho rằng một người thợ may bình thường không thể có những tư tưởng gọi là cao kiến thể hiện qua lá cờ này, nhưng người cháu nội của bà xác quyết bà chính là tác giả lá cờ đó. Một chiếc cầu nối liền Philadelphia và New Jersey mang tên Betsy Ross nhắc chúng ta nhớ đến nhân vật nữ lịch sử này mỗi lần có dịp qua lại trong cuộc sống thường ngày. Trong một lá thư, Tổng Thống George Washington đã từng viết:“Chúng ta chọn các ngôi sao từ Trời, màu đỏ là màu của mẫu quốc, tách mẫu quốc ra bằng những sọc trắng để cho thấy chúng ta không còn phụ thuộc vào mẫu quốc nữa. Những sọc trắng sẽ được lưu truyền cho hậu thế rằng chúng ta đã chọn tự do.” (Tư liệu trích từ trang Web của VOA).

Trong quyển tự điển Dictionary of American Government and Politics, Jay M. Shafritz cho biết Quốc hội Lục địa đã quyết định rằng “lá cờ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ gồm 13 tiểu bang phải gồm có 13 sọc đỏ và trắng cách nhau, và rằng Liên Bang (Union) này tượng trưng bằng 13 ngôi sao trắng trên một nền xanh, là biểu trưng cho một quần tinh mới. Khi có một tiểu bang mới gia nhập vào Liên Bang, một ngôi sao sẽ được thêm vào.” (Nhà xb. Dorsey Press, 1988, trang 515).

Đối với một quốc gia mới mẻ như Hoa Kỳ, lập quốc năm 1776 vào lúc mà ý thức về sự quan trọng của lịch sử đã khá chín muồi trên khắp các đất nước Âu châu, mà tác giả lá cờ sao và sọc là vấn đề còn tranh cải và phản biện, huống chi là một nước như nước Việt Nam của chúng ta, gọi là có bốn ngàn năm văn hiến, là con Hồng cháu Lạc, là nòi giống Rồng Tiên v.v… nguồn gốc đất nước nằm trong chốn thâm sâu kỳ bí của lịch sử với biết bao chuyện hoang đường, “ma trâu thần rắn”, và ngay chuyện lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu của chúng ta cũng không tránh khỏi những vấn đề lịch sử cần đặt ra, thí dụ ai là tác giả của quốc kỳ VNCH v.v… và v.v… kể cả những kẻ còn muốn manh tâm “độc quyền” lá cờ vàng ba sọc đỏ nữa, nghĩ cũng giận!

Trước năm 1975, bản thân tôi có tới lui với Linh mục Trần Hữu Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, và ngài nói chính ngài là người vẽ kiểu lá cờ vàng ba sọc đỏ này và cùng họa sĩ Lê Văn Đệ thực hiện. Khi bị đánh vỡ mắt kiếng trong một cuộc đụng độ trước Tết năm 1975 giữa hàng nghìn giáo dân thuộc các giáo xứ Tân Chí Linh, Tân Sa Châu, Tân Hòa… với Cảnh sát Dã chiến, Linh mục Trần Hữu Thanh đã chỉ vào lá cờ vàng ba sọc đỏ, tay vuốt máu trên mặt và nói to: “Chính tôi là tác giả lá cờ này.” để chứng tỏ tấm lòng đấu tranh vì đất nước của ngài. Có một nguồn tin khác nói lá cờ này mang ý nghĩa tôn giáo (Công Giáo) vì nói đến Một Chúa Ba Ngôi (một nền vàng, ba sọc đỏ). Thật là lắm suy tư sáng tạo trong một bầu khí tự do tư tưởng!

Sau ngày 30-4-1975, Cha Trần Hữu Thanh bị Cộng Sản bắt đem an trí tại giáo xứ Thạch Bích (Bắc Việt) rồi đưa về Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà Ấp, Hà Nội và mấy năm sau ngài mất tại đấy. Lá cờ vàng ba sọc đỏ theo nhiều tác giả là do họa sĩ Lê Văn Đệ vẽ và được chấp nhận tại Hội nghị Hồng Kông năm 1948, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân được cử làm Thủ tướng, vua Bảo Đại làm Quốc trưởng. (Xin Tham khảo thêm tư liệu của các GS Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Lý Tưởng và Trần Gia Phụng). Lá cờ đó trải qua thời chính quyền Quốc Gia, Đệ I và Đệ II Cộng Hòa, theo chân người Việt Nam ra hải ngoại tị nạn Cộng Sản và trở thành biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam và truyền thống gia sản văn hóa của người Việt.

Nguyễn Đức Cung

(FB Nguyễn Đức Cung)

Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Chia sẽ bài này :

Đăng nhận xét

 
Top ↑ Copyright © 2008. Tin Tức Hàng Ngày - All Rights Reserved
Back To Top ↑