Tin Tức Cập Nhật 24/7
Home » » Trần Trung Đạo – 17 tháng 6 Tưởng niệm ngày tang Yên Báy

Trần Trung Đạo – 17 tháng 6 Tưởng niệm ngày tang Yên Báy

Đăng bởi: Admin on Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020 | 05:57


Thương tiếc các vị anh hùng vị quốc vong thân, trong số các bài thơ ca, có bài thơ "Ngày Tang Yên Bái" được in trong sách giáo khoa tiểu học thời bấy giờ (1930) của tác giả Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy:

17 tháng 6 Tưởng niệm ngày tang Yên Báy
Việt Nam Minh Châu Trời Ðông

13 Anh hùng liệt sĩ VNQDĐ Vị Quốc Vong Thân:

Nguyễn Thái Học
Phó Đức Chính
Bùi Tử Toàn
Bùi Văn Chuẩn
Nguyễn An
Đào Văn Nhít
Ngô Văn Du
Nguyễn Văn Tiềm
Nguyễn Như Liên (20 tuổi, sinh viên) bí danh Ngọc Tỉnh
Nguyễn Văn Cửu
Lê Văn Tụ
Nguyễn Văn Tính
Hà Văn Lạo (25 tuổi)

NHỮNG ANH HÙNG TUẪN QUỐC

Ngày Tang Yên Báy

Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than
Từ lưng trời sương trắng rủ màn tang
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Bái đang u sầu và lặng lẽ
Giữa mấy hàng gươm sáng tỏa hào quang
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài danh dự
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ
Vài cụ già đầu bạc, lệ tràn rơi
Ngất người sau tiếng rú: "Ới, con ơi!"
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời
Nhưng chỉ trong giây lát vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường
Éo le thay! Muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình quí mến
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến
Sau cái nhìn chào non nước bi ai
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng
"Việt Nam muôn năm!" Một đầu rơi rụng
"Việt Nam muôn năm!" Người kế tiến lên
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.

Không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”

Massachusett, USA – Vào khoảng thời gian này 85 năm trước, tức vài hôm sau Ngày Tang Yên Báy, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, bức hình bên đây được đăng trên báo Pháp. Mười ba chiếc đầu của các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa bị chém còn phơi trên bãi cỏ. Chiếc đầu được đánh dấu tròn được tờ báo ghi chú “đây là đầu của Nguyễn Thái Học”.

Theo tác giả Hoàng Văn Đào trong tác phẩm “Từ Yên Bái tới ngục thất Hoả Lò”: Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.

Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”. Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong đám đông.”

Trong hồi ký Từ Yên Bái Đến Côn Lôn, Nguyễn Hải Hàm tức Ký Thân, người bị kết án tử hình sau Khởi Nghĩa Yên Bái nhưng sau giảm xuống chung thân nơi Côn Đảo, kể lại lời của vị Linh mục chứng kiến giờ phút cuối cùng của 13 Anh hùng Yên Bái: “Ông Học thật tốt. Ông không hề tỏ ra một cử chỉ hay lời nói nào buồn trách Cha như những người kia. Trái lại ông Học nói chuyện với Cha tự nhiên, bình thản như ngày thường …Quá vui tính…12 anh kia bị chém trước rồi sau mới là anh Học…Anh Học trước khi lên đoạn đầu đài hô lớn câu Việt Nam Vạn Tuế, và khi hô lớn xong đầu cũng lọt vào thùng mạt cưa bên cạnh. Anh nào cũng hô Việt Nam Vạn Tuế, có anh thì hô Việt Nam Muôn Năm… Nhưng đau lòng nhất là có một vài anh chưa hô hết câu đầu đã rơi xuống thùng mạt cưa”.

Mười ba liệt sĩ lên máy chém thực dân sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930: Nguyễn Thái Học, Phó Ðức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Ðào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Ðức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Ðỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu và Nguyễn Như Liên.

Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bước lên máy chém. Như hai tác giả Louis Roubaud và Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”.

Đó cũng là điểm khác biệt chính giữa các đảng cách mạng thật sự chiến đấu vì tự do, độc lập của dân tộc và đảng CSVN. Với những người yêu nước chân chính, đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông trong khi với Đảng Cộng sản chiếc ghe lại chính là dân tộc.

Hôm nay, sở dĩ đảng CS ca ngợi lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học chỉ vì ông đã hy sinh, tuy nhiên, nếu ông còn sống và tiếp tục lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong giai đoạn 1945, số phận của Nguyễn Thái Học cũng giống như Bùi Quang Chiêu, Trương Tử Anh, Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp và hàng ngàn người Việt Nam yêu nước bị CS giết mà thôi.

Nguyễn Thái Học khi sống là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng khi chết đã chết như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc, chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”. Chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Thái Học chỉ mới 28 tuổi.

Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, nhưng dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau. Sức đẩy để con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ. Lịch sử Việt Nam đã và đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.

Trần Trung Đạo

(FB Trần Trung Đạo)

Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Chia sẽ bài này :

Đăng nhận xét

 
Top ↑ Copyright © 2008. Tin Tức Hàng Ngày - All Rights Reserved
Back To Top ↑