Tân Tổng giám đốc Cơ quan truyền thông quốc tế của Chính phủ Mỹ (USAGM, USA Global Media) vừa sa thải bà Bay Fang, Tổng Giám đốc Đài Á châu Tự do (RFA) và một loạt giám đốc các kênh truyền thông quốc tế hôm 18/06.
Truyền thông Mỹ: Giám đốc RFA bị sa thải, giám đốc VOA từ chức |
Trước đó, hôm thứ Hai 15/06, Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), bà Amanda Bennett và phó giám đốc Sandy Sugawara đều đệ đơn từ nhiệm sau khi ông Michael Pack lên nhậm chức.
Bình luận chuyện này, nhà báo David Hutt, cây bút chuyên về châu Á, nêu lo ngại trong bài viết trên tờ Asia Times (18/06/2020) rằng “Đài Tiếng nói Hoa Kỳ nay thành 'Tiếng nói Trump'”
Bài báo “Voice of America to become Voice of Trump” cho rằng việc bổ nhiệm “một nhân vật cánh hữu” làm lãnh đạo ngành truyền thông quốc tế của Hoa Kỳ “có thể sẽ không đồng điệu với 117 triệu khán thính giả tại châu Á” của các đài Mỹ.
Ông Michael Pack, một chính trị gia được báo Mỹ như New York Times cho là “bảo thủ, thân tổng thống Donald Trump” đã sa thải cả lãnh đạo Đài Châu Âu Tự do và Radio Liberty/Radio Free Europe, ông Jamie Fly, cùng giám đốc của mạng lưới truyền thông Trung Đông (Middle East Broadcasting Network), ông Alberto Fernandez.
Cũng trong tuần này, bà Libby Liu, giám đốc “Open Technology Fund”, quỹ phi lợi nhuận cổ vũ cho tự do Internet do USAGM giám sát, cũng từ chức.
Bà Libby Liu từng làm Tổng giám đốc RFA trong 14 năm.
Theo David Hutt, thì ông Michael Pack “được cho là thân cận với ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia của bộ tham mưu tranh cử cho Donald Trump, và hai ông đã từng cùng sản xuất hai phim tài liệu”.
Ngoài ra, vẫn theo bài trên trang Asia Times, ông Pack “từng lãnh đạo Claremont Institute, một think tank theo xu hướng bảo thủ, gần gũi với phong trào Trump”.
Theo phóng viên tự do Joaquin Hòa Nguyễn từ California thì thì việc điều ông Pack, một đồng minh của Tổng thống Trump, về đứng đầu Cơ quan truyền thông quốc tế “được xem là một hành động nhằm kiểm soát truyền thông của chính phủ Mỹ”.
Các đài Mỹ có tiếng nói về châu Á
Ngoài đài VOA (thành lập năm 1942) Cơ quan truyền thông quốc tế của Hoa Kỳ USAGM còn kiểm soát các kênh truyền thông khác do chính phủ Mỹ tài trợ, trong đó có RFA.
RFA được thành lập vào năm 1996 nhằm đưa thông tin đến các quốc gia mà Hoa Kỳ cho là “độc tài, không minh bạch thông tin”.
Đài này nói họ cổ vũ cho tự do dân chủ ở Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Lào, Campuchia, Miến Điện.
RFA gồm 9 ban ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Việt. Bà Bay Fang là một nhà báo chuyên nghiệp từng hoạt động ở Afghanistan, Iraq, từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sau khi về RFA năm 2015, bà đã lên làm Tổng Giám đốc từ năm 2019.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã có chương trình tiếng Việt lâu năm qua sóng phát thành, và sau này có thêm trang web cùng chương trình TV/video.
Bài đọc nhiều nhất trên trang tiếng Việt của VOA hôm 18/06 là câu chuyện "GS. Steve Hanke phản hồi sau khi nói Việt Nam là ‘táo thối’ trong chống dịch Covid-19".
Vẫn theo ông Joaquin Hoà Nguyễn nói với BBC từ San Francisco cuối ngày thứ Năm giờ Anh thì đài “CNN gọi đó là cuộc thảm sát” với truyền thông công của Hoa Kỳ. Có lo ngại rằng các đài này sau thay đổi lãnh đạo sẽ không quan tâm đến dân chủ nhân quyền.
Tuy thế, tân CEO của USAMD, Michael Pack trong email thông báo cho nhân viên cuối ngày thứ Tư đã tìm cách giảm đi lo ngại của họ rằng ông “cam kết duy trì độc lập” cho các đài vốn có nhiệm vụ đưa tin độc lập tới khán thính giả trên toàn thế giới, theo trang Politico trích các nguồn thông tấn từ Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/
Tin tức Hàng Ngày - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Tin tức Hàng Ngày mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Đăng nhận xét